Không chỉ vậy, bão Bolaven còn mạnh lên với tốc độ chóng mặt, sức gió tăng thêm 152 km/h chỉ trong 24 giờ. Như vậy là không thua kém nhiều so với kỷ lục thế giới về mức tăng cường độ trong 24 giờ, hiện đang được giữ bởi bão Patricia năm 2015, theo trang Yale Climate Connections (Kết nối khí hậu Yale).

Tính theo thang bão Saffir-Simpson, bão Bolaven đã có lúc bùng nổ từ bão Cấp 1 với sức gió 148 km/h lên thành bão Cấp 5 với sức gió 258 km/h chỉ trong 12 tiếng. Như vậy là nhanh gấp 4 lần mức cần thiết để được xếp vào mục “bão tăng cường độ nhanh”.

Bolaven là siêu bão cấp 5 (trong thang bão 5 cấp Saffir Simpson) thứ 8 trong năm nay.

Ảnh mây vệ tinh hồng ngoại có thể thấy rõ mắt bão với tường mây đối lưu xung quanh cực kì mạnh mẽ. Ảnh: NASA WorldView
Ảnh mây vệ tinh hồng ngoại có thể thấy rõ mắt bão với tường mây đối lưu xung quanh cực kì mạnh mẽ (Ảnh: NASA WorldView)

Số lượng lớn các cơn bão cấp cao nhất trong năm nay có liên quan đến sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu do con người gây ra và kiểu khí hậu El Nino, khiến nước biển nóng lên đến mức kỷ lục.

Bolaven dự kiến sẽ tiếp tục di chuyển qua bắc Thái Bình Dương, tránh đất liền vì nó dần yếu đi khi gặp vùng nước lạnh hơn. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn sẽ ảnh hưởng đến thời tiết cách đó nửa vòng trái đất. Theo các chuyên gia dự báo thời tiết, bão Bolaven sẽ ảnh hưởng đến thời tiết trên khắp Bắc Mỹ.

Hiện tại, Bolaven vẫn là mối nguy hiểm chủ yếu đối với thủy thủ và hàng không.

Bolaven bắt đầu từ một vùng nhiễu động nhưng đã trải qua một trong những đợt tăng cường nhanh chóng ấn tượng nhất được ghi nhận từ ngày 10 – 11/10.

Nhà khí tượng học Paul Pastelok ở Mỹ cho biết, siêu bão Bolaven có gió giật mạnh, dù ở ngoài biển, nhưng có thể gây mưa ở tận phía nam bang Alaska (Mỹ) và gây sóng lớn. Ngoài ra, ở một số vùng thuộc phía tây Canada và đông nam Alaska (Mỹ) sẽ có tuyết rơi khá dày.

Còn với châu Á, gần nơi mà siêu bão Bolaven hình thành, thời tiết bị ảnh hưởng ít hơn, nếu có chỉ khiến nhiệt độ giảm nhẹ ở các nước phía đông châu Á.

Thiên Trường