Ca mắc COVID-19 ở trẻ em tăng

Bộ Y tế cho biết ngày 24/08 có 3.591 ca COVID-19 mới. Trong ngày số bệnh nhân khỏi tăng vọt lên hơn 14.000 ca; 02 trường hợp bệnh nhân tại Tây Ninh tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.392.859 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.834 ca nhiễm).

Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.104.180 ca; Trong số bệnh nhân đang theo dõi và điều trị có 146 ca thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 131 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 6 ca; Thở máy không xâm lấn: 01 ca; Thở máy xâm lấn: 8 ca. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân nặng liên tục gia tăng trong thời gian qua.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW đang điều trị hơn 130 bệnh nhân COVID-19, trong số này, khoảng 40 ca thở máy, 40 ca thở oxy, có 7 ca là trẻ em.

Ca mắc COVID-19 ở trẻ em tăng, nhiều cháu trong độ tuổi chỉ định nhưng chưa tiêm vaccine
Ca mắc COVID-19 ở trẻ em tăng, nhiều cháu trong độ tuổi chỉ định nhưng chưa tiêm vaccine.

Tại khoa Hồi sức tích cực mỗi ngày có thêm 5-6 bệnh nhân nặng, nguy kịch chuyển về đây điều trị. Các bệnh nhân hầu hết là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Đa số các bệnh nhân đã tiêm 2, 3 mũi vaccine COVID-19, nhưng có khoảng 20% bệnh nhân chưa tiêm mũi nào.

Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, trong 197 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, có 51 trẻ em. Đặc biệt, trong số các ca mắc mới, số ca là trẻ em chưa tiêm vaccine chiếm tỷ lệ cao; 53 trong tổng số 69 trẻ mắc COVID-19 ngày 23/8 chưa tiêm vaccine (chiếm gần 77%), trong số này có những trẻ chưa đến tuổi tiêm.

Bộ Y tế cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Nhiều địa phương tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi rất chậm; có 05 tỉnh, thành tiêm mũi 2 mới chỉ từ 19,1%- 34,5%

Các chuyên gia cảnh báo, khi thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, có thể số trẻ mắc COVID-19 sẽ gia tăng nhanh. Hiện chỉ còn không đầy 1 tuần nữa để đạt mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, nhưng nhiều địa phương tiêm rất chậm, thấp; có 5 tỉnh, thành tiêm mũi 2 mới chỉ từ 19,1%- 34,5%.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Đồng thời, Bộ Y tế cho biết vừa ban hành kế hoạch thực hiện chiến dịch truyền thông "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 18 tuổi từ nay đến ngày 30/09/2022.

Chiến dịch này nhằm truyền thông về đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - dưới 18 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng và các vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch, tiêm vaccine phòng COVID-19;

TP. HCM là  một trong 5 địa phương thuộc danh sách các tỉnh, thành tiêm thấp, chậm vaccine cho trẻ, theo Sở Y tế TP. HCM, để tăng cường độ bao phủ vaccine cho trẻ em từ 5 - dưới 18 tuổi, góp phần tăng miễn dịch cộng đồng, giảm số ca mắc và tử vong do COVID-19, ngành y tế thành phố đã tổ chức thêm loại hình xe tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động cho học sinh.

“Ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại, nhất là người già, người mắc bệnh nền. Điều này không chỉ có ý nghĩa phòng bệnh, mà còn hạn chế tử vong, giúp hệ thống y tế không quá tải”, PGS.TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Linh Tuệ