Sáng 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp ứng phó với bão Molave của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết sáng nay, bão Molave đã vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm nay ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Lúc 9h, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phải phát đi tin bão khẩn cấp ngay khi bão vừa di chuyển vào Biển Đông.
"Thông thường cơ quan khí tượng chỉ phát tin bão khẩn khi bão chuẩn bị vào đất liền. Nhưng bão số 9 đang đi nhanh và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong 36-48 giờ tới, nên chúng tôi phải phát tin bão khẩn cấp để nâng cấp độ dự báo cho các tỉnh", ông Khiêm nói.
Phân tích các đặc điểm của bão Molave, đại diện cơ quan khí tượng cho biết các yếu tố tương tác đến cơn bão này khác hoàn toàn với bão số 8. Bão có nhiều điều kiện thuận lợi để mạnh lên trên Biển Đông và giữ sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 khi vào ven bờ các tỉnh Đà Nẵng - Phú Yên.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Theo kịch bản, phải sơ tán gần 1.298.000 dân trong 7 tỉnh ven bờ miền Trung. Ngoài ra, trong tối 27/10 cần kiểm đếm kêu gọi tàu thuyền, đặc biệt tàu vận tải. Cương quyết cấm biển vì cơn bão này quá lớn. Cương quyết không cho người dân quay lại lồng bè.
Hình ảnh vệ tinh cơn bão số 9 (tên quốc tế là Molave).
Các lực lượng chức năng sẵn sàng đảm bảo an toàn cho dân ở các đảo, sẵn sàng các thiết bị cứu hộ cứu nạn. Các khu du lịch ven biển cũng đã được cảnh báo. Toàn bộ hệ thống hồ thủy lợi đã xả lũ sẵn sàng đối phó với mưa lớn, ngập lụt.
PAGASA cho biết, bão Molave đạt sức gió tối đa 125 km/h, giật 180 km/h. Molave duy trì sức gió này khi càn quét qua đảo Mindoro, sau đó mạnh trở lại trên Biển Đông và đạt cường độ cao nhất trong vòng 24 đến 48 giờ tới.
Trước dự báo bão Molave sẽ gây mưa diện rộng và sạt lở đất trên khu vực phía nam đảo Luzon, giới chức Philippines đã sơ tán gần 1.800 dân. Tại các tỉnh thuộc vùng Bicol, 532 gia đình với 1.789 người đã được sơ tán tới nơi trú ẩn. Trong khi đó, nhiều hoạt động du lịch biển ở vùng Calabarzon bị hủy bỏ, 622 người bị mắc kẹt tại các cảng vì gió mạnh.
Sáng 26/10, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Đến 1h ngày 27/10, tâm bão ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 350km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14.Đến 1h ngày 27/10, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 350 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 đến 135 km/giờ), giật cấp 14.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 đến 25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 1h ngày 28/10, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên khoảng 240 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 đến 13 (115 đến 150 km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1h ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Thiên Trường