Theo đó, Đoàn đã đi kiểm tra thực địa tại các xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng), Trực Khang (huyện Trực Ninh), Hải Phương (huyện Hải Hậu). Đây là những địa phương bị thiệt hại nặng do mưa lớn kéo dài.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng chỉ đạo các địa phương tập trung bảo vệ sản xuất vụ Mùa
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng (thứ 2 từ phải qua trái) chỉ đạo các địa phương tập trung bảo vệ sản xuất lúa Mùa

Tại những nơi đến kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định chia sẻ với những khó khăn, vất vả của bà con nông dân khi gieo cấy lúa mùa gặp thời tiết bất thuận.

Đồng thời,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh Nam Định, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà và các công ty thủy nông vùng động lực tranh thủ tối đa thời gian và công suất máy bơm để bơm tiêu; vận hành các trạm bơm nhỏ và máy bơm dã chiến để bơm chuyển… Khẩn trương kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp chỉ đạo khắc phục và chăm sóc lúa mùa kịp thời, phù hợp.

Vụ Mùa năm 2024, tỉnh Nam Định dự kiến gieo cấy 71.200 ha lúa. Đến ngày 15/7, toàn tỉnh đã gieo cấy 65.550 ha, đạt 92% diện tích; trong đó gieo sạ 29.200 ha. Các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu gieo cấy xong cơ bản (>95%).

Người dân Nam Định nỗ lực cứu lúa mùa
Người dân Nam Định nỗ lực cứu lúa Mùa sau khi bị ngập úng

Tuy nhiên, đợt mưa lớn từ ngày 14/7 - 18/7, lượng mưa bình quân toàn tỉnh là 260 mm, cục bộ một số nơi mưa to, lượng mưa lớn (Nghĩa Hưng 463 mm, Ý Yên 378 mm, Nam Trực 329 mm, Hải Hậu 286 mm…) trùng vào thời điểm triều cường và xả lũ từ các hồ thủy điện, do đó việc tiêu úng rất khó khăn đã gây ngập úng và nhiều diện tích bị thiệt hại.

Ước tính toàn tỉnh có khoảng 35.000 ha lúa phải gieo cấy lại và dặm tỉa, tập trung ở các huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND các huyện phân công cán bộ tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình ngập úng ở từng địa phương; hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục; triển khai biện pháp gieo cấy lại, gieo cấy bổ sung cho diện tích lúa chết úng.

Các huyện, thành phố và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi đã tích cực chỉ đạo tiêu rút nước chống úng ngập; kết hợp thủy triều và triển khai các trạm bơm, máy bơm dã chiến để tập trung bơm tiêu cho những diện tích bị ngập úng nặng; nhiều diện tích được tiêu úng nhanh.

Đến nay toàn tỉnh còn khoảng 15.000 ha bị thiệt hại nặng và phải gieo cấy lại và dặm tỉa bổ sung.

Phạm Thịnh – Mai Chiến