Trong khi đó theo thống kê chưa đầy đủ, lượng nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải sinh hoạt nông thôn và nước thải công nghiệp của 11 tỉnh lưu vực hệ thống sông Đồng Nai mỗi ngày lên đến hơn 3 triệu m3.

Dự báo đến năm 2020, tổng lượng nước thải mỗi ngày của lưu vực này đạt mức gần 4,5 triệu m3. Trong khi đó, lượng nước thải đã qua xử lý thải ra môi trường hiện vẫn ở mức rất khiêm tốn.Sông Đồng Nai và hơn 160.000 m3 nước thải/ngày đêm của 800 doang nghiệp phải xử lý thế nào? - Hình 1

Sonadezi Long Thành từng bị bắt quả tang xả khoảng 9.300m3 nước thải không đạt tiêu chuẩn (thu gom từ 42 doanh nghiệp) vào môi trường.

Số liệu báo cáo mới nhất cho thấy tổng lượng nước thải mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM ước khoảng 1,75 triệu m3, bao gồm gần 50.000m3 nước thải của 21 khu công nghiệp (KCN). Trong đó lượng nước thải được thu gom, qua xử lý trước khi thải ra môi trường chỉ đạt khoảng 21%.

Ngoài lượng nước thải công nghiệp được thu gom, xử lý qua các hệ thống xử lý tập trung ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chỉ một lượng nhỏ nước thải sinh hoạt, khoảng 171.000m3 được xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng và trạm xử lý nước thải (hồ sinh học) Bình Hưng Hòa.

Tương tự, tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... phần lớn lượng nước thải công nghiệp được thu gom, xử lý trong khi nước thải sinh hoạt đô thị chỉ được thu gom, xử lý ở mức trên dưới 20%, còn lại xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên.

Riêng ở Đồng Nai, lượng nước thải công nghiệp từ 31 KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn mỗi ngày gần 102.000m3, được xử lý tại các hệ thống xử lý tập trung hơn 72.000m3 (71%), còn lại gần 30.000m3 do các doanh nghiệp tự xử lý.

Tuy nhiên, kết quả quan trắc năm 2017, 2018 của Trung tâm quan trắc môi trường miền Nam cho thấy, chất lượng nước trên hệ thống sông Đồng Nai ở khu vực thượng nguồn và trung lưu trên các sông chính còn khá tốt, có thể sử dụng cho cấp nước sinh hoạt.

Trong 2 năm qua, Ủy ban BVMT sông Đồng Nai đã phối hợp với các tỉnh, thành thuộc lưu vực kiểm soát chặt các nguồn thải để ngăn ngừa ô nhiễm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường. Các địa phương đầu nguồn đã chú trọng công tác trồng, bảo vệ rừng, mở rộng đầu tư mạng lưới quan trắc tự động.

Xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải ra lưu vực sông Đồng Nai, lập bản đồ nguồn ô nhiễm nước trên toàn lưu vực để xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý theo lộ trình từng năm.

Cuộc họp trên đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thuộc hệ thống lưu vực sông Đồng Nai tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đặc biệt, tập trung thanh - kiểm tra các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên; thực hiện tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế...

Hiện tại, Bộ TN&MT đã và đang phối hợp với Ủy ban BVMT sông Đồng Nai kiến nghị với Chính phủ thành lập Ủy ban lưu vực sông trên cả nước. Trong đó, có Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai.

Tại phiên họp này, chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhiệm kỳ thứ 4 (2019-2020) đã được chuyển giao từ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Đinh Quốc Thái,  sang cho ông Nguyễn Văn Trình - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hải Nam