THCL Sau 10 năm thực hiện, Luật thuế XNK đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế -xã hội của đất nước và đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, Luật thuế XNK hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc.

Đại diện Petrolimex lo ngại khi chính sách thuế XNK thay đổi liên tục

Sáng 4/8, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với USAID tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật thuế xuất nhập khẩu (XNK) sửa đổi.

Luật hiện hành không phù hợp với tình hình mới

Tại cuộc họp, hầu hết các đại biểu là lãnh đạo các DN đều bày tỏ quan điểm về sự bất cập của Luật thuế XNK hiện hành đang gây nhiều khó khăn cho các DN XNK. Cụ thể, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa hội nhập và tham gia ký kết nhiều Hiệp định như: WTO, FTA, TTP… Thế nhưng, Luật hiện hành chưa phù hợp với những nội dung cam kết trong hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia. Trong đó, có những quy định theo các cam kết quốc tế cần thực hiện nhưng thực tế hiện nay đang được quy định tại văn bản dưới luật phải luật hóa để bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện như quy định về miễn thuế đối với hàng hóa có trị giá tối thiểu hoặc có số tiền thuế phải nộp tối thiểu; hàng mẫu không có giá trị thương mại, ấn phẩm quảng cáo đơn lẻ; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu theo Điều ước quốc tế.

Từ năm 2018 trở đi, mức thuế suất thuế nhập khẩu về cơ bản sẽ được xóa bỏ theo các cam kết thuế quan. Theo đó, để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, cần thiết phải bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý một số nội dung quan trọng về các biện pháp phòng vệ thương mại về thuế (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ…)

Hiện nay, Luật không còn phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật nói chung và một số luật liên quan gần đây như Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường…và thực tiễn xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa những năm gần đây.

Bà Lỗ Thị Nhụ - Cục Trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải Quan) cho biết, Để góp phần thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chương trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế và hải quan, đồng thời phát huy những mặt tích cực và khắc phục những hạn chế nêu trên, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế XNK hiện hành.

DN lo lắng khi thuế XNK thay đổi liên tục

Tại cuộc họp, Ban soạn thảo luật đã đưa ra 2 phương án về thẩm quyền xây dựng biểu thuế, thuế suất (Khoản 2, Điều 11) như sau:

Phương án 1: Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm hàng thuộc danh mục nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu để làm căn cứ cho Bộ Tài chính quy định biểu thuế XNK với từng mặt hàng, quyết định mặt hàng và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan…

Phương án 2: Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm hàng thuộc danh mục nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu, để Thủ tướng Chính phủ quy định biểu thuế XNK với từng mặt hàng, quyết định áp dụng mặt hàng và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan…

Được cho là một trong những DN có đóng góp vào tiền thuế XNK lớn nhất trên cả nước, đại diện Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bày tỏ sự lo ngại khi chính sách thuế XNK thay đổi thường xuyên, liên tục. Ông Nguyễn Xuân Hùng cho rằng: “Quan điểm sửa Luật thuế XNK là không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu. Nhưng, chúng tôi rất lo ngại thuế suất thay đổi thường xuyên, gây khó cho doanh nghiệp tính toán giá vốn hàng hóa”.

Thực tế, đại diện các DN XNK có mặt tại cuộc họp đều đồng tình quan điểm nên xây dựng biểu thuế, thuế suất theo Phương án 2 vì sẽ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm thiểu tác động từ thay đổi chính sách thuế. Tuy nhiên chính sách thuế XNK nên được giữ ổn định thuế suất  XNK trong thời gian dài.

Bà Lỗ Thị Nhụ, trấn an đại diện Petrolimex và các DN tham dự vì khi Luật XNK mới này ra đời, Điều 10 của Luật quản lý thuế đương nhiên không còn hiệu lực.

Ban soạn thảo cũng chỉ ra ưu điểm của Phương án 2 có tính ổn định chính sách thuế hơn. Bên cạnh đó, đối với thuế XNK, thực tế có 90% kim ngạch XK có mức thuế đã được cam kết (mức trần với hàng hóa NK) tại các Hiệp định tự do hóa thương mại theo lộ trình từ 3-5 năm. Trong khi, quy định mức thuế XNK luôn có những ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan liên quan nên cần thiết giao Thủ tướng Chính phủ quy định.

Theo giải thích của Ban soạn thảo, thực tế, các doanh nghiệp thực hiện bảo lãnh khi tạm NK hàng hóa trong khi cơ quan hải quan phải theo dõi sổ sách kế toán số tiền thuế này làm tăng chi phí quản lý thuế. Từ kinh nghiệm quốc tế, các nước đều quy định hàng tạm nhập- tái xuất không phải nộp thuế trong thời hạn nhất định nhưng phải tái xuất đúng thời hạn và đảm bảo bằng một khoản tiền đặt cọc tương đương nghĩa vụ thuế phải nộp, hoặc số tiền cọc nhất định.

Do đó, dự thảo Luật thuế XNK sửa đổi quy định này bằng việc chấp nhận bảo lãi ngân hàng hoặc tiền đặt cọc tương đương số tiền thuế của hàng tạm nhập- tái xuất.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, soạn thảo, sửa đổi luật này cho tương thích với các Luật hải quan, Luật đầu tư, Luật quản lý thuế  dự thảo Luật thuế  và phù hợp cam kết hội nhập.

Thanh Hoa ( Thương hiệu & Công luận)