Theo cơ quan dự báo khí tượng, hình thế thời tiết này có thể kéo dài đến ngày 08/02/2024 (ngày 29 Tết) vào các thời điểm từ đêm đến đầu giờ sáng.
Để chủ động phòng tránh, hạn chế và giảm tối đa tác động tiêu cực do diễn biến thời tiết, Cục yêu cầu các hãng hàng không chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp chặt chẽ với các cảng hàng không, Trung tâm Quản lý luồng không lưu, công ty quản lý bay khu vực và các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng để có kế hoạch, phương án hoạt động khai thác phù hợp; thông báo kịp thời và có phương án phục vụ hành khách trong trường hợp thay đổi kế hoạch vận chuyển.
Về phía Tổng công ty Cảng Hàng không và các cảng hàng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, cần tăng cường bố trí lực lượng phục vụ, điều hành tại cảng; kịp thời giải phóng tàu bay, phối hợp với các hãng hàng không triển khai phương án xử lý trong trường hợp hoạt động khai thác bị ảnh hưởng do các tác động của thời tiết.
Về phía Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, cần chỉ đạo Trung tâm Khí tượng sân bay khu vực phía Bắc, Trung tâm Quản lý luồng không lưu và các cơ sở không lưu phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khí tượng liên quan triển khai CDM kịp thời, theo dõi, điều hành hoạt động bay phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết; phối hợp, hỗ trợ các hãng hàng không và cảng hàng không trong công tác khai thác, bảo đảm an toàn.
Đối với các cảng vụ hàng không, cần theo dõi, giám sát, quản lý hoạt động khai thác của các hãng hàng không, các đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ tại cảng bảo đảm an ninh, an toàn, Cục Hàng không yêu cầu.
Trong sáng sớm 02/02, hiện tượng sương mù và trần mây thấp làm hạn chế tầm nhìn đã khiến các chuyến bay không thể cất, hạ cánh tại sân bay Nội Bài.
Theo đại diện Cảng Hàng không Nội Bài, có 9 chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh tại sân bay dự bị; 37 chuyến bay có lịch trình đến không thể hạ cánh; 54 chuyến bay khác cũng chưa thể cất cánh rời khỏi sân bay này.
Kim Khánh (t/h)