Hoạt động nhằm hỗ trợ các chủ doanh nghiệp Việt Nam vốn xuất thân từ mô hình sở hữu gia đình xây dựng và thực thi tốt hơn chiến lược phát triển bền vững và mở rộng quy mô trong giai đoạn mới.
Sự kiện có sự tham gia của các cố vấn, chuyên gia và diễn giả PGS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT công ty CP P&Alliances, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách phát triển công nghiệp; nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); Ông Nguyễn Quang Thuân, TGĐ Công ty CP P&Alliances, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FiinGroup (tiền thân là Stoxplus), chuyên huy động vốn, M&A doanh nghiệp gia đình; Bà Đặng Thanh Vân, Chuyên gia cao cấp tư vấn Thương hiệu, ủy viên HĐQT P&Alliances, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương hiệu & Quản trị Thanhs, cùng chuyên gia khách mời Trần Đình Thiên, nguyên là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; cùng sự góp mặt của hơn 50 các công ty gia đình lớn tại Việt Nam.
Thực tế ghi nhận top 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp tới ¼ GDP của Việt Nam trong năm 2018. Mô hình quản trị doanh nghiệp gia đình có nhiều lợi thế như: Sự gắn bó của các thành viên; của ban lãnh đạo và nhân viên chủ chốt. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với một doanh nghiệp do gia đình sở hữu như làm sao để cân bằng được mối quan hệ, áp dụng các nguyên tắc quản trị hiện đại, thu hút nhân tài bên ngoài và đặc biệt là vấn đề xây dựng và thực thi một chiến lược và kế hoạch kế nhiệm.
Trong quá trình xây dựng và thực thi một chiến lược phát triển doanh nghiệp và kế hoạch kế nhiệm (Succession Planning), một doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam sẽ thông thường đứng trước 3 lựa chọn chiến lược chính:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì mô hình quản trị gia đình nhưng có một Succession Planning rõ ràng và gia đình vẫn duy trì sở hữu chi phối và điều hành;
Thứ hai, từng bước “đại chúng hóa” qua các bước như đa dạng hóa cơ cấu cổ đông cho các đối tác chiến lược hoặc quỹ đầu tư vốn cổ phần và qua đó từng bước cải thiện công tác quản trị cũng như tận dụng nguồn lực từ việc bán cổ phần để tiếp tục đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới.
Thứ ba, chuyển nhượng toàn bộ hoặc chi phối cho các đơn vị trong cùng ngành hoặc các nhà đầu tư nước ngoài.
Các sự lựa chọn chiến lược này sẽ đòi hỏi chủ doanh nghiệp có được sự đánh giá thấu đáo về không chỉ đặc thù của gia đình mình mà còn đòi hỏi có được một tầm nhìn dài hạn và rộng trong bối cảnh mà các doanh nghiệp tốt và có mô hình kinh doanh tốt đều “có giá” và nhất là trong bối cảnh làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là từ Hàn Quốc và Nhật Bản đang xem kênh M&A là hình thức mở rộng kinh doanh của họ ở Việt Nam một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều so với kênh đầu tư trực tiếp FDI truyền thống.
Ngoài ra, các thách thức trong vấn đề quản trị doanh nghiệp nói chung và vấn đề xác định chiến lược nói riêng trước thực tế và đặc thù của Việt Nam trong bối cảnh kinh nghiệm, kỹ năng và cả yếu tố nghệ thuật trong quản trị một Doanh nghiệp Gia đình cũng như những đặc thù về quan hệ huyết thống gia đình Việt, sự khác biệt của yếu tố văn hóa vùng miền cũng như bối cảnh hội nhập tác động đến quá trình này.
Các nội dung này đã được chia sẻ, thảo luận trong sự kiện: “Tái cấu trúc doanh nghiệp gia đình Việt Nam: Thách thức và Kiến tạo” thông qua 3 nội dung chính:
Bài chia sẻ: Tái cấu trúc doanh nghiệp gia đình Việt Nam: Thách thức và Kiến tạo - PGS Phan Đăng Tuất
Toạ đàm 1: DN gia đình truyền thống Việt Nam và những thách thức: Đặc điểm mô hinh KD gia đình: Sự tập trung ý chí và bảo mật bí kíp KD; Khả năng tiếp cận, thích ứng với phương thức quản trị hiện đại; Những sai lầm trong mở rộng quy mô đầu tư.
Toạ đàm 2: Chiến lược Kiến tạo DN gia đình thời đại mới: Tối đa hóa giá trị công ty gia đình; Hoạch định chiến lược tái cấu trúc thiết chế quản trị nội bộ; Mô hình phát triển thương hiệu bền vững; Định giá DN gia đình; Huy động vốn và nguồn lực xã hội; Kế nhiệm, kế vị, chuyển giao thế hệ và văn hóa doanh nghiệp.
Anh Minh