THCL GS. TS. Nguyễn Đình Cống, nguyên giảng viên Khoa Xây dựng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội): “Nhiều đơn vị thi công xây dựng xem nhẹ các quy tắc an toàn lao động, coi thường mạng sống con người. Thực trạng này thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và những người đứng đầu”.
GS. TS. Nguyễn Đình Cống, nguyên giảng viên Khoa Xây dựng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội)
Chưa bao giờ, công tác an toàn lao động (ATLĐ) trong thi công xây dựng lại tới mức báo động như hiện nay. Ông suy nghĩ ra sao về vấn đề này?
Liên tiếp trong 3 ngày xảy ra 3 vụ tai nạn từ công trình thi công đường sắt trên cao ở Hà Nội, gồm 2 vụ rơi thanh sắt và 1 vụ gãy cần cẩu, làm 2 người bị thương, khiến người đi đường hết sức bất an.
Trước đó, những tai nạn bất ngờ từ trên cao như thế từng gây chết người rất thương tâm: Cuối năm 2014, vụ sập giàn giáo tại công trình đường sắt trên cao, đoạn qua đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) rơi làm một người chạy xe máy chết tại chỗ. Tháng 5/2015, vụ sập giàn giáo Formosa làm 13 người chết, 29 người bị thương… Chẳng có gì bảo đảm những tai nạn như vậy sẽ chấm dứt.
Nhìn vào thực tế những công trình xây dựng ở nước ta, so với cách thức tổ chức về an toàn và kỷ luật lao động của các nhà thầu nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc..., thấy có sự chênh lệch rõ rệt. Ở Việt Nam, các đơn vị thi công rất xem nhẹ các quy tắc ATLĐ, coi thường mạng sống của người khác. Để xảy ra tai nạn chết người rồi mới bàn tới trách nhiệm, mà chưa chắc xử lý được, thực tế ấy thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu.
Dù đã có quy chuẩn - tiêu chuẩn, các luật về lao động, đầu tư xây dựng, quản lý an toàn bảo hộ lao động… Tuy nhiên, tai nạn lao động trong thi công xây dựng vẫn liên tiếp xảy ra. Phải chăng, “thuốc” đã nhờn hoặc chưa đủ liều lượng?
Trước đây, cũng từng xảy ra những vụ tai nạn, thậm chí chết người ở khắp các công trình xây dựng trên cả nước. Sau các vụ tai nạn, các cơ quan chức năng tổ chức giải quyết, xử lý, kiểm điểm, quy trách nhiệm; cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục có công văn cảnh báo, nhắc nhở về ATLĐ… Tất cả đều làm đúng trình tự, thủ tục, nhưng tần suất xảy ra tai nạn lại nhiều hơn, thậm chí trên cùng một địa bàn, một công trình và cùng cả nguyên nhân?
Vấn đề ATLĐ trong xây dựng đã được Nhà nước quan tâm. Tham mưu cho Chính phủ có Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Xây dựng, các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành. Về quy chuẩn – tiêu chuẩn, Việt Nam đã có QCVN 18:2014/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật an toàn trong xây dựng). Các luật về lao động, đầu tư xây dựng cũng có nội dung về quản lý an toàn bảo hộ lao động. Thực tế, công trường nào cũng có cán bộ chuyên trách an toàn, kỹ sư nào đứng công trường đều phải có đủ chứng chỉ, cả thợ lái cũng phải có bằng cấp đào tạo, xe tải nào cũng đủ giấy kiểm định về an toàn, hạng mục thi công nào cũng phải có biện pháp an toàn được duyệt… Rồi đủ cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra về an toàn nhưng cần cẩu vẫn sập, sắt thép vẫn rơi, người đi đường vẫn cứ nơm nớp – phát hoảng và các cơ quan cấp trên có trách nhiệm quản lý vẫn tiếp tục la lối hoặc ban hành các văn bản “có cánh”… Vậy nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân đầu tiên dễ nhận thấy đó là đã có quy chuẩn về ATLĐ trong xây dựng, song từ chủ đầu tư cho đến đơn vị thi công, đơn vị thanh tra, kiểm tra; từ công trình trung ương đến công trình địa phương… chẳng mấy ai thực hiện.
Nguyên nhân tiếp theo là việc xử lý khi xảy ra tai nạn lao động không đến nơi đến chốn. Đặc biệt, không xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, đơn vị trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tai nạn do thiếu ATLĐ. Lẽ ra, phải hình sự hóa các tai nạn nghiêm trọng chết người hoặc xảy ra ở các dự án quan trọng, các công trình cấp đặc biệt…. Sau mỗi tai nạn về ATLĐ trong xây dựng, Bộ Xây dựng cần có thông báo công khai về nguyên nhân, kết quả xử lý trên mạng thông tin điện tử của Bộ.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như năng lực, phẩm chất của chủ đầu tư, trách nhiệm từng vị trí và chức danh cá nhân trên công trường… Có điều, nói gì thì nói, phải nhận thức được rủi ro và hậu quả khá cao từ những tai nạn đến từ an toàn trong xây dựng, phải dấy lên lương tâm và trách nhiệm của những người quản lý.
Theo tôi, bản chất của ATLĐ, không phải ở luật quy định như thế nào, mà là thực thi luật ra làm sao. Vấn đề xảy ra tai nạn trong thi công xây dựng, luật đã quy định rõ ràng, nhưng do tổ chức, người quản lý, kỹ sư, công nhân… chưa hiểu biết và chưa áp dụng đúng quy tắc về ATLĐ nên chuyện xảy ra sự cố tai nạn là điều có thể nhìn thấy.
Có ý kiến cho rằng, những vụ việc xảy ra vừa qua - cần phải bị xử phạt hành chính thật nặng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người thuộc BQL dự án, nhà thầu, cá nhân? Ông có nhận định gì về việc này?
Theo tôi, những vụ việc tai nạn xảy ra, cần được điều tra làm rõ, từ đó quy trách nhiệm cụ thể, nếu hậu quả nghiêm trọng thì ngoài việc xử phạt hành chính cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân trực tiếp liên quan…
Để ngăn ngừa tai nạn lao động, chúng ta cần phải làm những gì, bắt đầu từ đâu?
Việc không để xảy ra tai nạn trong thi công xây dựng là điều khó, chúng ta chỉ có thể hạn chế vấn nạn này.
Trước hết, cần tuyên truyền, tập huấn thường xuyên; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền ATLĐ nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị và người lao động để mọi người có ý thức cảnh giác và phòng ngừa tai nạn.
Cơ quan, ban, ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về ATLĐ, đồng thời tổ chức tốt công tác bảo hộ lao động, đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động…
Rõ ràng, tình hình tai nạn lao động ở nước ta đang ở mức báo động. Trong khi đó, những giải pháp đã và đang triển khai mới chỉ mang tính tình thế. Để giải quyết tận “gốc” của vấn đề, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía người sử dụng lao động, cũng như người lao động. Điều quan trọng hơn, rất cần sự vào cuộc của phía cơ quan quản lý nhà nước với những chế tài đủ mạnh. Có như vậy, mới hạn chế tối đa tai nạn lao động xảy ra.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Hoan Nguyễn