Tổng thống Syria Bashar al-Assad trả lời trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình NTV hôm 24/6 đã tuyên bố rằng, Syria sẽ tái thiết đất nước bằng nguồn lực của mình và bằng nhiều cách khác, loại trừ các hợp tác của phương Tây.
"Mặc dù chiến tranh đang diễn ra, chúng tôi có đủ phương tiện để khôi phục lại đất nước, chúng tôi chắc chắn về điều đó" - Tổng thống Assad nói.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chối tiền của phương Tây.
Nói về các nguồn lực để tái thiết đất nước, ông Assad nhấn mạnh rằng, Syria sẽ có thể hoàn thành công cuộc tái thiết lâu hơn dự kiến, không bao giờ mượn tiền của phương Tây để tái thiết đất nước.
"[Nếu] chúng tôi không có tiền, chúng tôi sẽ mượn từ bạn bè của chúng tôi, người Syria sống ở nước ngoài, và từ kho bạc. Chúng tôi không lo lắng về điều đó" - Tổng thống Assad nhấn mạnh.
Ông Assad cho biết, nguồn tái thiết vào Syria có thể tốn ít nhất 400 tỷ USD và nếu chỉ dựa vào các nguồn lực mà Syria có, công cuộc tái thiết sẽ hoàn tất lâu hơn dự kiến.
Tổng thống Syria khẳng định Syria sẽ không cần sự trợ giúp của phương Tây để tái thiết đất nước.
Nhiều công ty châu Âu có kế hoạch muốn bày tỏ tham gia tái thiết vào Syria song ông Assad tuyên bố rằng, họ không cần sự trợ giúp từ phương Tây.
"Khi các nước châu Âu nói về sự hỗ trợ trong việc tái thiết Syria, họ nghĩ về cách kiếm tiền chứ không phải là cách giúp Syria. Nhiều công ty châu Âu liên hệ với chúng tôi và cố gắng mở cửa cho Syria để đầu tư" - ông nói.
Tổng thống Bashar al-Assad nói như vậy khi bình luận về ý kiến của các chính khách phương Tây nói rằng họ sẽ "không bỏ ra một xu để tái thiết Syria, một khi ông Assad còn nắm quyền".
Ông Assad bình luận: "Thành thực mà nói, đây là tuyên bố tốt nhất mà phương Tây đưa ra trong suốt quá trình diễn ra cuộc chiến ở Syria.
Đây là điều tốt nhất, vì họ sẽ không trở thành một bộ phận tham gia vào việc tái thiết Syria, đơn giản là chúng tôi sẽ không cho phép họ làm việc này. Không quan trọng họ có mang tiền theo mình khi tới hay không? Họ có đề nghị cho vay, tặng hay viện trợ không hoàn lại, gì thì gì, chúng tôi không cần phương Tây".
Ông Assad lý giải rằng Phương Tây rất xa khái niệm "thành thật": "Họ không cho gì cả, chỉ lấy đi".
Tổng thống Syria hiện đang có sự hợp tác mạnh mẽ với Nga sau chiến tranh.
Nga cũng là quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho Syria trong việc tái thiết đất nước. Các hợp đồng tái thiết Syria mà Nga hướng tới là hỗ trợ tìm kiếm, khai thác dầu khí.
Ông Assad cho biết, liên minh Nga và Syria có quá trình lịch sử lâu dài, đồng thời Moscow không can thiệp vào công việc nội bộ của Damascus.
"Liên quan đến Syria, Nga không can thiệp vào công việc nội bộ của SAR. Nếu có đề nghị thì sẽ họ lên tiếng Cuối cùng, quyết định thuộc về ban lãnh đạo Syria và nhân dân Syria" — ông Assad trả lời kênh truyền hình Iran "Al-Alam" hồi giữa tháng 6.
Tuy nhiên, ngoài Nga thì yếu tố Trung Quốc cũng dần trở thành một nhân tố quan trọng vào công cuộc tái thiết Syria.
Sự can thiệp của Trung Quốc vào tình hình Syria hoàn toàn phù hợp với sáng kiến hội nhập kinh tế toàn cầu “Vành đai, Con đường” của nước này. Syria là một điểm nút giao thông quan trọng trên "Con đường Tơ lụa" bắt nguồn từ Trung Quốc xuyên qua Châu Á tới Châu Âu và Châu Phi trong nhiều thế kỷ qua. Đến nay, Syria vẫn giữ một vai trò quan trọng như vậy.
Nếu không có an ninh và ổn định tại vùng Levant (ngã tư giữa Tây Á, Đông Địa Trung Hải và Đông Bắc Phi), nhiều dự án của Trung Quốc về khôi phục Con đường Tơ lụa không thể thực hiện được.
Có nhiều phỏng đoán cho rằng, Nga và Trung Quốc đang “im hơi lặng tiếng” song hành với nhau thúc đẩy hòa bình cho Syria. Sức mạnh quân sự của Nga đóng vai trò quan trọng trong chấm dứt bạo lực tại Syria. Còn Trung Quốc đang giúp Syria giành được sự ổn định bền vững thông qua việc tái thiết cơ sở hạ tầng và phục hồi kinh tế.
Hãng tin RT dẫn lời chuyên gia Finian Cunningham - một chuyên gia người Bắc Ireland nổi tiếng về quan hệ quốc tế - cho biết, không chỉ toan tính lợi ích tại Syria mà cả Nga và Trung Quốc đều có những mối quan ngại về an ninh khi hàng nghìn chiến binh đang tham chiến tại Syria có nguy cơ trở về quê hương.
Ông Cunningham nhận định, kế sách của Mỹ và phương Tây hòng lật đổ Tổng thống Assad đã thất bại. Giờ đây các bên này đang cố gắng trì hoãn hòa bình Syria bằng biện pháp tài chính.
Tuy nhiên, một khi Trung Quốc vào cuộc, mang theo sức mạnh to lớn về mặt kinh tế, các nỗ lực nhằm cô lập Syria của phương Tây sẽ trở thành vô ích.
Nếu Syria đạt được hòa bình và sự ổn định thì Trung Quốc, Nga, Iran sẽ là những bên chiến thắng. Hơn nữa trục hội nhập và kết nối kinh tế này sẽ góp phần phá vỡ thế “độc tôn” của Mỹ.
Mỹ và Liên minh Châu Âu đang cố tình rút mọi khoản hỗ trợ cho Syria như một cách để gây sức ép đối với “lộ trình chuyển đổi chính trị” tại Syria.
Phương Tây từng chống lưng cho các phe phái đối địch tại Syria để lật đổ Tổng thống Assad nhưng hiện nay họ đã thất bại.
Nếu luật pháp quốc tế được áp dụng một cách công bằng, Mỹ và đồng minh phải chịu trách nhiệm chi trả cho các tổn thất chiến tranh liên quan đến vai trò của họ ở Syria. Song điều đó khó có thể xảy ra và đây chính là tiêu chuẩn kép mà phương Tây vẫn áp dụng.
Theo Đất Việt