Sáng nay ngày 2/4/2020 (tức 10/3 âm lịch), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đã diễn ra thành kính, trang nghiêm, an toàn.
Đặc biệt, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, năm nay Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ tổ chức phần lễ, không có phần hội; nghi lễ dâng hương được rút gọn. Lễ dâng hương không tổ chức đoàn rước kiệu từ sân hành lễ và không truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình, hạn chế đại biểu tham dự để tránh việc tập trung đông người.
Dâng lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân (ngày 29/3/2020 - tức mùng 6/3 âm lịch)
Ghi nhận, dù phải điều chỉnh nhiều nội dung, chương trình, Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020 vẫn đảm bảo tổ chức trang nghiêm, thành kính, an toàn. Đại biểu dự đều thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và giữ đúng khoảng cách theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời, tỉnh Phú Thọ đã chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Trước yêu cầu giãn cách toàn xã hội để phòng, chống dịch COBID-19; dù không thể trực tiếp đến Đền Hùng, thắp nén hương trong ngày chính giỗ, nhưng nhiều gia đình ở Phú Thọ đã bày tỏ lòng tri ân của mình với các Vua Hùng, tổ tiên qua mâm cơm tại mỗi gia đình.
Mâm cơm cúng của gia đình cụ Nguyễn Tiến Tường (xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì)
Gia đình ông Nguyễn Văn Bích (khu 1, xã Kim Đức, TP. Việt Trì) chuẩn bị mâm cơm để dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng và tổ tiên dịp Giỗ Tổ 2020
Bánh chưng, bánh giày là hai thứ không thể thiếu trong mâm cơm trên ban thờ gia tiên ngày giỗ trọng này. Hai loại bánh truyền thống được làm từ lúa nếp thơm - sản vật tiêu biểu cho nghề trồng lúa nước có từ thời Vua Hùng, mang ý nghĩa tâm linh đại diện cho trời và đất, gắn liền với tấm lòng hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu; qua đó để răn dạy con cháu “Uống nước nhớ nguồn”, truyền cảm hứng từ đời này qua đời khác.
Ngoài ra còn tùy theo đặc sản của từng địa phương sẽ có sản vật như: Bánh mật, bánh gai, kẹo bánh và hoa thơm, trái ngọt; trầu cau, xôi, gà...
Nhiều gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng sửa soạn mâm cơm canh tại gia để cúng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Ông Đặng Ngọc Hòa (phường Tiên Cát, TP. Việt Trì) chia sẻ: Thực hiện biện pháp cách ly xã hội để phòng chống dịch COVID-19, trong những ngày này, hàng triệu người con đất Việt đều tâm hương hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngay từ sáng sớm, vợ chồng tôi đã chỉnh trang nhà cửa, sửa soạn lại bàn thờ, đảm bảo trang nghiêm thành kính.
"Nhiều năm nay, gia đình tôi duy trì việc làm mâm cơm tri ân vua Hùng vào đúng ngày chính giỗ 10/3 âm lịch. Mâm cơm ngày giỗ Tổ do tự tay các thành viên trong gia đình vào bếp, với tất cả tấm lòng thành kính tri ân. Mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu mà tỉnh Phú Thọ triển khai nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Qua đó, góp phần để di sản mãi mãi trường tồn, là sợi dây cố kết sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc", ông Hòa cho biết.
“Mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng” của gia đình ông Đặng Ngọc Hòa
Giỗ Tổ Hùng Vương là một hoạt động mang tính truyền thống, có ý nghĩa giáo dục đối với mọi người dân Việt Nam. Đó là sự khẳng định lòng yêu nước, hướng về Tổ tiên, nguồn cội, là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân củng cố niềm tin trong cộng đồng để cùng nhau hướng tới tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, hùng cường.
UBND tỉnh Phú Thọ trước đó đã chỉ đạo Sở Y tế đảm bảo các quy trình phòng chống dịch COVID-19 đối với các đại biểu trong quá trình dâng hương như diệt khuẩn khu vực thực hiện nghi lễ, đeo khẩu trang, khoảng cách tối thiểu từ 2m, rửa tay bằng nước sát trùng.
Tại di tích Đền Hùng, các trục đường dẫn lên núi Nghĩa Lĩnh, quảng trường đều vắng lặng. Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ soạn tài liệu tuyên truyền về ý nghĩa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, lễ giỗ Tổ Hùng Vương đăng trên các phương tiện, gửi về các địa phương để người dân dù không tham gia nhưng vẫn thêm hiểu về nguồn cội.
Hoan Nguyễn