6h30 sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.549 USD/ounce. Giá vàng gần như bất động do chịu nhiều sức ép.
Theo đánh giá của chuyên gia Helen Lau tại Argonaut Securities, yếu tố chính chi phối thị trường vàng phiên này là việc giới đầu tư gia tăng tâm lý ưa rủi ro và Bộ Tài chính Mỹ ngày 13/1 đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ vốn được Washington công bố hồi tháng 8/2019.
Giá vàng bất động
Chỉ hai ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định trong báo cáo nửa năm một lần trình Quốc hội rằng đồng Nhân dân tệ (NDT) đã mạnh lên và Trung Quốc không còn bị coi là một quốc gia thao túng tiền tệ.
Hãng tin Reuters mới đây cho biết Trung Quốc đã cam kết mua bổ sung gần 80 tỷ USD hàng hóa chế tạo và hơn 50 tỷ USD các mặt hàng năng lượng từ Mỹ trong hai năm tới.
Giá vàng cũng đang chịu sức ép từ thị trường chứng khoán. Chứng khoán Mỹ và trước đó là châu Âu, châu Á đồng loạt tăng điểm. Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới. Giới đầu tư dồn dập đổ tiền vào các loại tài sản có độ rủi ro cao, trong đó có chứng khoán.
Tại thị trường trong nước, tính đến cuối phiên giao dịch ngày 14/1, giá vàng 9999 được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 42,90 – 43,30 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm đồng thời 50 nghìn đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cuối phiên giao dịch ngày 13/1.
Với mức điều chỉnh giảm 110 ngàn đồng ở chiều mua và 130 nghìn đồng ở chiều bán, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 42,98 – 43,16 triệu đồng/lượng.
Tại Phú Quý SJC, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 42,80 – 43,10 triệu đồng/lượng, giảm đồng thời 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán.
Còn tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 42,98 – 43,17 triệu đồng/lượng, giảm 340 nghìn đồng ở chiều mua và 330 nghìn đồng ở chiều bán so với cuối phiên giao dịch ngày 13/1.
Vương Hằng