Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore năm 2018. (Ảnh: KCNA)
Khi Singapore đăng cai tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 6 năm ngoái, giới doanh nhân tại quốc đảo Đông Nam Á này đã kiếm bộn tiền từ những hàng hóa mang chủ đề thượng đỉnh cũng như các sự kiện bên lề. Khoảng 2.500 nhà báo quốc tế đã tới Singapore và Thủ tướng Lý Hiển Long khi đó thừa nhận rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã góp phần nâng cao hình ảnh của Singapore ở nước ngoài.
Giờ đây các chuyên gia am hiểu Việt Nam nhận định với tư cách là nước chủ nhà của cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim lần hai dự kiến diễn ra vào ngày 27-28/2 tới, Việt Nam có thể sẽ còn được hưởng nhiều lợi thế hơn nữa.
Trong bài viết với tiêu đề “Việt Nam hưởng lợi ra sao khi là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều” trên VOA News, cây bút Ralph Jennings nhận định cuộc gặp Trump - Kim tại Hà Nội sẽ giúp Việt Nam nhận được sự tôn trọng mới từ các nước và điều này sẽ có lợi cho chính sách đối ngoại đa phương cũng như uy tín của Việt Nam với tư cách là một đất nước phù hợp để tổ chức các hoạt động, bao gồm các sự kiện quốc tế lớn.
“Tất cả các bên liên quan, Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, đều tin tưởng Việt Nam là một nước chủ nhà trung lập”, Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia, nhận định.
“Thành công của Việt Nam sẽ tái khẳng định tính đúng đắn trong chính sách đối ngoại của nước này, đó là “đa phương hóa và đa dạng hóa” các quan hệ đối ngoại đồng thời là “người bạn đáng tin cậy của tất cả các nước”. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ đòn bẩy mà họ có được khi làm chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai”, giáo sư Thayer nói.
Tăng trưởng kinh tế
Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, đất nước từng bị tàn phá bởi chiến tranh, từ cuối thập niên 1980 sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt từ Mỹ khi cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim diễn ra tại đây.
Vốn đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6-7% từ năm 2012. Chỉ tính riêng tháng trước, đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam đã tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong tháng trước, Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia tiếp theo thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận thương mại tự do chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu.
Theo Rajiv Biswas, nhà kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại hãng nghiên cứu thị trường HIS Markit, người tiêu dùng Mỹ đang hướng đến Việt Nam để mua các sản phẩm về giầy dép, quần áo và đồ điện tử. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ ngày càng để mắt tới nhóm khách hàng trung lưu tại Việt Nam với lợi thế là một thị trường xuất khẩu khả quan.
“Mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ chắc chắn sẽ là yếu tố quan trọng trong cuộc gặp lần này. Mặc dù đây rõ ràng là cuộc gặp giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng tôi nghĩ bối cảnh Tổng thống Trump thăm Việt Nam là một điều rất tích cực với Việt Nam. Nó mở ra cơ hội cho đối thoại song phương”, chuyên gia Biswas nhận định.
Năm 2017, Tổng thống Trump từng ca ngợi sự phát triển kinh tế của Việt Nam là “điều kỳ diệu”. Theo Frederick Burke, đối tác của hãng luật Baker McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh, bình luận của ông Trump cho thấy Triều Tiên, một nước có hệ thống chính trị tương đồng Việt Nam, cũng có thể cải thiện được nền kinh tế như vậy.
Sự kiện quốc tế
Giới phân tích nhận định hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ bổ sung vào danh sách các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam. Theo giáo sư Thayer, các quốc gia châu Á “hiểu rằng Việt Nam đủ khả năng đảm bảo an ninh, cung cấp nơi ăn nghỉ tuyệt vời và có kinh nghiệm ngoại giao chuyên nghiệp để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cấp cao”.
Năm 2017, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã tụ họp tại thành phố biển Đà Nẵng. Năm tới, Việt Nam sẽ là chủ tịch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và với vai trò này, Việt Nam sẽ tổ chức hàng loạt sự kiện quy mô lớn.
Uy tín chính trị
Theo chuyên gia Burke, là nước được các bên của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tin tưởng, Việt Nam trong tháng này sẽ chính thức được ghi nhận vì những đóng góp cho nỗ lực hòa bình khu vực nếu hai bên tham gia cuộc gặp thượng đỉnh lần này đạt được tiến triển trong việc giải quyết vũ khí hạt nhân.
“Trong mắt cộng đồng quốc tế, tầm vóc của Việt Nam không chỉ là một thành viên có trách nhiệm mà thực sự là một nhà lãnh đạo, bước lên nấc thang cao nhất trong quan hệ quốc tế và giải quyết các vấn đề quốc tế”, chuyên gia Burke nhận định.
Theo Dân Trí
Theo CNBC, VOA