Tiếp tục nổi lên là địa chỉ hấp dẫn
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài tháng 1-2021 sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020, một phần do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, mặt khác do tháng 1-2020 có dự án điện khí Bạc Liêu trị giá 4 tỷ USD (quy mô rất lớn và phải mất nhiều thời gian chuẩn bị) được cấp phép. Nếu không tính dự án khổng lồ trên thì tổng vốn đầu tư nước ngoài trong tháng 1-2021 vẫn tăng 51,7% so với tháng 1/2020. Bên cạnh đó, lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong tháng 1/2021 cũng đạt 1,51 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020, rất đáng ghi nhận trong bối cảnh hoạt động đầu tư suy giảm trên toàn cầu.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng thông tin, kết quả trên còn đáng ghi nhận khi nhìn từ một số dự án có quy mô về vốn cũng như công nghệ. Đó là dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises tại Đà Nẵng với vốn đăng ký 110 triệu USD; dự án Nhà máy Fukang Technology tại Bắc Giang sản xuất máy tính do Foxconn Singapore PTE Ltd đầu tư, có vốn đăng ký 270 triệu USD (nhà đầu tư này cũng đã tìm hiểu tại Thanh Hóa, dự kiến triển khai tiếp dự án có số vốn khoảng 1,3 tỷ USD).
Đặc biệt, trong trào lưu dịch chuyển cơ sở sản xuất trên phạm vi toàn cầu của giới đầu tư quốc tế dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục nổi lên là địa chỉ hấp dẫn. Theo khảo sát mới đây của Công ty Pasona Group Inc (Nhật Bản), có tới 57% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam dự định mở rộng quy mô trong thời gian tới.
Hứa hẹn thu hút những “Cánh chim đầu đàn”
Đề cập tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là xu hướng và yếu tố mới trong thời gian tới, nhiều tổ chức quốc tế có chung nhận định khả quan. Trong đó, nổi lên là việc xuất hiện những dự án chuyên sản xuất linh kiện cho hãng nổi tiếng của thế giới là Apple (Foxconn tại Bắc Giang) hay đầu tư sản xuất vật liệu bán dẫn - một lĩnh vực công nghệ cao (United States Enterprises tại Đà Nẵng). Điều này hứa hẹn một làn sóng thu hút những “cánh chim đầu đàn” về công nghệ cao sẽ tiếp tục hội tụ ở nước ta, từ đó hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế.
Thep nhận định của Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, sự thành công của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn ngoại, ngày càng có nhiều dự án mang hàm lượng công nghệ cao là đúng định hướng của Nhà nước, giúp Việt Nam trở thành nơi sản xuất, cung cấp linh kiện của các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Sự chuyển biến tích cực còn xuất phát từ việc Việt Nam đang thực hiện cam kết của một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với nhiều ưu đãi vượt trội, nhất là về thuế suất đối với hàng xuất khẩu. Giới đầu tư nước ngoài muốn đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam để tận dụng điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng xuất khẩu là điều dễ hiểu.
Dù vậy, việc duy trì và gia tăng kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2021 đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn trong bối cảnh dòng vốn quốc tế đang cạn dần. Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020 được ban hành trong thời gian tới đây sẽ có chính sách ưu đãi đặc biệt với các dự án công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…, để “dọn tổ đón đại bàng” - các tập đoàn lớn dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.
Còn theo nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng, để tận dụng tốt mọi cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới các tập đoàn đa quốc gia có thế mạnh về vốn và công nghệ. “Chúng ta nên lập đơn vị chuyên trách để hỗ trợ nhà đầu tư, đồng hành và sẵn sàng giải quyết những vướng mắc của họ để rút ngắn quá trình đăng ký, triển khai đưa dự án vào hoạt động, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư”, ông Phan Hữu Thắng đề xuất.
Đăng Khôi