PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm ngoái, diễn ra vào nửa đầu tháng Bảy. Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 và sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học.

"Việc này đã được thực hiện hai năm qua, nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của chương trình giáo dục phổ thông 2018", ông Chương nói.

Cùng với đó, Bộ cũng có nhiều điều chỉnh để kỳ thi diễn ra tốt hơn. Thứ nhất, điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi. Điều này được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 tăng cường vận dụng thực tiễn
Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 tăng cường vận dụng thực tiễn

Thứ hai, tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi. Bộ đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.

Thứ ba, tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả. 

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi. Trong đó, đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các công việc theo quy định tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Chú trọng việc lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi (nhất là với các khâu trọng yếu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi…). Bố trí các điểm thi vừa thuận lợi cho thí sinh dự thi vừa bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc; rà soát, bổ sung các điều kiện về kinh phí, trang thiết bị, vật tư đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội về một số nội dung mang tính kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh

Thiên Trường (T/h)