Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với với Nông trường Thành Long- Tây Ninh đã đánh giá cao mô hình sản xuất hiện đại với quy mô lớn, vừa cơ giới hóa toàn bộ các khâu, hạ tầng đồng bộ, ứng dụng sâu rộng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vừa có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, hợp tác xã với Nông trường Thành Long, qua đó tạo nguồn nguyên liệu mía chất lượng tốt, sản xuất ra đường hữu cơ và nhiều loại sản phẩm đường có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội và ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn dọc biên giới.
Ảnh minh họa
Theo phản ánh báo chí thời gian gần đây, trên tuyến biên giới hình thành các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đường phèn; các đối tượng vận chuyển từ biên giới đưa thẳng vào đây để sơ chế, hoặc thay đổi bao bì, nhãn mác sau đó vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Lực lượng buôn lậu sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi mà chúng ta khó có thể kiểm soát được. Theo đó, họ mang bao bì in logo, nhãn hiệu ở Việt Nam sang Campuchia sang chiết vào bao rồi vận chuyển đường qua sông đưa về Việt Nam.
Thủ đoạn họ tinh vi đến mức họ khuấy, nấu thành đường phèn hoặc đường lỏng đem về Việt Nam. Tính chất đường được làm từ mía nên chúng ta không phân biệt được đường nào của ta, đường nào của Thái Lan.
Bên cạnh đó, một vấn đề nhức nhối trong buôn lậu đường là việc đối tượng buôn lậu lợi dụng quay vòng hóa đơn mua hàng tịch thu các bộ hồ sơ bán hàng phát mại để hợp thức hóa đường cát nhập lậu.
Theo đó, đường lậu sau khi tập kết thường được gỡ bỏ bao bì, nhãn mác hoặc được in theo bao bì, nhãn mác của các nhà máy/công ty đường trong nước; sau đó được sang chiết, đóng gói thành cây đường bằng bao xi măng không nhãn mác vận chuyển đi tiêu thụ.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định, đường nhập lậu hoạt động công khai, bán hàng như đường trong nước. Đường cát sau khi được tập kết dọc các tỉnh biên giới Lào, Campuchia, được chuyển lậu bằng đường bộ và thủy vào nước ta, sau đó được tập kết và vận chuyển bằng ô tô tải thẳng về các điểm tiêu thụ (kho của các doanh nghiệp thương nhân)... Do vậy, cần có biện pháp quản lý hiệu quả hóa đơn, chứng từ có liên đến hồ sơ bán đấu giá đường cát bị tịch thu nhằm ngăn chặn tình trạng các đối tượng buôn lậu lợi dụng các loại hóa đơn, chứng từ này để quay vòng, hợp thức hóa đường cát nhập lậu.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên thì ngành mía đường Việt Nam còn vô số khó khăn, bất cập khác như: diện tích nhỏ lẻ, manh mún, cho nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến năng suất, chất lượng kém. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy đường có công suất ép nhỏ, trang thiết bị lạc hậu làm giá thành sản phẩm tăng lên, gây khó khăn trong việc cạnh tranh với đường của một số nước có thế mạnh hơn.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó, sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu. Đồng thời, nâng cao năng lực chế biến, đổi mới cơ cấu sản phẩm đường, đa dạng hóa các sản phẩm sau đường, cạnh đường, tận dụng tối đa phụ phẩm sau chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để nhân rộng thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị trong ngành Mía đường với quy mô lớn, hiện đại, có sức cạnh tranh và hiệu quả cao; khắc phục tình trạng canh tác manh mún, thủ công, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao....
Nếu có bất cứ thông tin về hàng giả, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua địa chỉ: Ban 389 - Báo Thương hiệu & Công luận. Tòa Soạn: số 12 - Tập thể Bộ Tư pháp, P. Quan Hoa - Q.Cầu Giấy -Hà Nội. Hotline: 0973.269.389 Email: chuyendong389.thcl@gmail.com
Theo BCĐ389