Đây là một hoạt động thường niên của các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy sáng kiến, tuyên truyền, quảng bá hệ thống Madrid trong khu vực.
Tham gia Hội thảo là các cán bộ phụ trách về hệ thống Madrid đại diện cho 12 Cơ quan Sở hữu trí tuệ quốc gia của 12 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia đến từ WIPO, JPO và Cục Sở hữu trí tuệ đại diện nước chủ nhà Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Hongbing Chen - Giám đốc, Bộ phận điều hành Madrid, Ban Đăng ký Madrid, Nhãn hiệu và Kiểu dáng, WIPO bày tỏ quan điểm Hệ thống Madrid là hệ thống toàn cầu duy nhất để tìm kiếm sự bảo hộ nhãn hiệu ở các thị trường nước ngoài. Trong suốt 132 năm lịch sử của mình, Hệ thống đã cung cấp sự hỗ trợ đặc biệt cho sự phát triển thương mại và đầu tư quốc tế. Với số lượng thành viên và phạm vi địa lý ngày càng mở rộng, Hệ thống Madrid có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho người dùng bằng cách bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của các ngành thông qua bảo hộ nhãn hiệu. WIPO đánh giá cao tiềm năng đăng ký nhãn hiệu quốc tế của người dùng tại các thị trường mới nổi như Việt Nam và các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương khác.
Trong thập kỷ qua, các đơn đăng ký quốc tế mới từ 13 quốc gia thành viên tham gia Hội thảo bao gồm cả Việt Nam đã tăng gấp 5 lần và số lượng chỉ định đăng ký tại các Cơ quan thành viên này cũng đã tăng từ 6% lên 13% trong tổng số lượng chỉ định. WIPO cam kết hợp tác chặt chẽ với các Cơ quan thành viên có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ theo Hệ thống Madrid.
Đại diện JPO, ông Shun KUKITA, Thẩm định viên nhãn hiệu, Phòng Hàng hóa tổng hợp và Dệt may phát biểu, nhiều quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tham gia hệ thống Madrid và tỷ lệ đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế được nộp từ khu vực này năm 2011 là khoảng 16%, con số này đã tăng lên 25% vào năm 2021. Nói riêng về tình hình tại Nhật Bản, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế nộp tại JPO đạt khoảng 20.000 đơn vào năm 2021, tăng khoảng 45% so với năm 2016. Bên cạnh đó, số lượng đơn nộp tại JPO chỉ định JPO là Cơ quan xuất xứ năm 2021 là khoảng 3.200, tăng 30% so với năm 2016. Như vậy việc sử dụng Hệ thống Madrid tại Nhật Bản cũng đang trên đà phát triển.
Về phía quốc gia chủ trì, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế phát biểu cảm ơn các đơn vị tổ chức và đánh giá cao mục tiêu của Hội thảo nhằm tăng cường năng lực hoạt động của các Cơ quan SHTT trong khu vực và tìm ra các giải pháp để tăng cường sử dụng Hệ thống Madrid.
Tại hội thảo, các chuyên gia WIPO và đại diện các Cơ quan SHTT tham dự đã trình bày nhiều nội dung hữu ích như: Tổng quan và cập nhật chung về Hệ thống Madrid từ WIPO và từ các cơ quan sở hữu trí tuệ các nước thành viên; Hoạt động với vai trò là cơ quan xuất xứ: Thực tế xử lý đơn đăng ký quốc tế (thủ tục đăng ký quốc tế, xác nhận, thiếu sót, hạn chế…); Phân loại sản phẩm, dịch vụ (cập nhật và tin tức về phân loại sản phẩm, dịch vụ như: hướng dẫn phân loại, công cụ quản lý sản phẩm và dịch vụ MGS…; Thẩm định việc phân loại hàng hóa dịch vụ); Hoạt động với vai trò là cơ quan được chỉ định: các quyết định từ cơ quan được chỉ định bao gồm các loại quyết định, hình thức, thời hạn, từ chối tạm thời, chấp nhận bảo hộ, các quyết định cuối cùng, phản đối…; Thực tế thẩm định nội dung với vai trò là cơ quan được chỉ định; Liên lạc giữa các cơ quan và WIPO đặc biệt là bằng các công cụ số, trực tuyến; Các biện pháp nhằm thúc đẩy Hệ thống Madrid.
Thông qua đó, các cán bộ của Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước thành viên được chia sẻ, trao đổi thông tin nhằm nâng cao hiểu biết và tạo lập mối quan hệ gắn kết nhằm phát triển hoạt động đăng ký quốc tế nhãn hiệu nói riêng tại nước mình và vì sự phát triển chung của Hệ thống Madrid. Với sự chuẩn bị chu đáo về nội dung và sự đón tiếp thân thiện, nhiệt tình của chủ nhà Việt Nam, Hội thảo đã thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu sắc cho các chuyên gia WIPO và các bạn đồng nghiệp đến từ các nước trong khu vực.
Minh Anh (t/h)