Về phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai các giải pháp sau:

Thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đến năm 2030, các Chương trình/ Đề án: (i) Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030; (ii) Phát triển ngành chế biến thủy hải sản giai đoạn 2021 - 2030; (iii) Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030; (iv) Bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021 - 2030.

Tăng cường và nâng cao năng lực chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến tinh để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông lâm thủy sản, gắn với xác nhận xuất xứ và nguồn gốc sản phẩm (đặc biệt là nông sản chủ lực phục vụ xuất khẩu); thúc đẩy hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, hình thành các vùng sản xuất tập trung từ nguyên liệu - chế biến - thị trường.

Ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến kết hợp với phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan tỏa theo chuỗi.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Hiện đại hóa công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến, bảo quản nông sản để tạo ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá thành hạ, giá trị gia tăng cao, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Xử lý nghiêm các cơ sở chế biến không đảm bảo các điều kiện theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường. Cải tiến, đa dạng hóa hình thức bao bì, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách về hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Triển khai Kế hoạch năm 2024 thực hiện Nghị định số 40/2017/NĐ-CP ngày 05/04/2018 về quản lý sản xuất, kinh doanh muối; Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030. Đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, hỗ trợ đồng bộ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ muối, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng xuất, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập diêm dân. Nhân rộng các mô hình sản xuất muối tiên tiến để nâng cao năng suất, giảm tác động xấu của biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ môi trường. Diện tích sản xuất muối cả nước duy trì khoảng 11 nghìn ha, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn.

Tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030; tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 2 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Mặt khác, Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với các giải pháp cụ thể:

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng ngành. Thực hiện đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ cơ cấu lại ngành; ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ các lĩnh vực sản xuất có lợi thế. Thu hút, khuyến khích đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Chủ động, tích cực xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 để phấn đấu giải ngân tốt nhất kế hoạch vốn được giao; theo đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2024. Tăng cường quản lý chất lượng đầu tư, xây dựng công trình, nhất là công trình thủy lợi và áp dụng khoa học công nghệ để tăng thêm năng lực tưới, tiêu; phối hợp quản lý tốt nguồn nước của các lưu vực sông và hệ thống thuỷ lợi, nhất là các hồ chứa, bảo đảm các quá trình khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.

Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng thủy sản; tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ quản lý ngành, trong đó có các dự án hạ tầng vùng sản xuất giống theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/05/2020; nâng cao năng lực hệ thống cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, ưu tiên cho các chương trình, dự án nghiên cứu, sản xuất ứng dụng công nghệ cao; hệ thống các cơ sở đào tạo của ngành.

Sử dụng tiết kiệm, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất; hình thành hệ thống các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi, nhất là các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh. Tăng diện tích trồng rừng mới, khôi phục rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái.

Minh Anh