Theo thống kê của Bộ TT&TT, các nền tảng mạng xã hội (MXH) xuyên biên giới đang chiếm ưu thế rất lớn so với MXH trong nước. Tính đến hết tháng 6, Facebook có khoảng 65 triệu thành viên VN, YouTube có khoảng 60 triệu và TikTok khoảng 20 triệu.
Trong khi đó, các MXH này chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật VN, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng MXH để hoạt động báo chí, tổ chức livestream nhằm cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác…
Bộ TT&TT đã có những hành động cụ thể nhằm đưa ra điều chỉnh về mặt pháp luật để chấn chỉnh tình trạng này. Bộ TT&TT vừa ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nhiều người kỳ vọng, với quy định mới sẽ quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các mạng xã hội hiện nay.
Theo đó, các DN cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, phải thực hiện trong vòng 24 tiếng khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ các thông tin vi phạm xuất hiện trên nền tảng của mình.
Ở phía người dùng mạng xã hội, có quyền thông báo vi phạm yêu cầu DN cung cấp xuyên biên giới xử lý. Người dùng thông báo cho Bộ TT&TT về những vi phạm nội dung trên các website cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam và khởi kiện nếu DN cung cấp xuyên biên giới gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, chỉ các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream trên mạng xã hội, nếu không thì chỉ được xem tin, bài. Đặc biệt, các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT.
Hà Trần