Kết quả biểu quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

Kết quả biểu quyết 

Tiếp tục kỳ họp thứ 8, chiều 12/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Theo nghị quyết, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512,3 nghìn tỷ, tổng chi là 1.747,1 nghìn tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234,8 nghìn tỷ đồng tương đương 3,44% GDP.

Quốc hội cũng đồng ý tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488, 921.352 nghìn tỷ đồng trong năm sau.

Với việc thông qua nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020.

Mức tăng này được đánh giá là cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây. Năm 2020 là năm cuối cùng tồn tại mức lương cơ sở. Theo đó, khi lương cơ sở tăng, mức lương thực tế và một số khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ được tăng lên tương ứng.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách TƯ và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội cũng giao Chính phủ, loại trừ thêm một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể khi xác định số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2019 và dự toán năm 2020 để tính nguồn cải cách tiền lương.

Quốc hội cũng lưu ý, Chính phủ điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; chống lãng phí; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.

Đồng thời, bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.

PV