Tăng lương tối thiểu vùng lên 5,3%: Doanh nghiệp lo tăng chi phí sản xuất - Hình 1

Doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh để có nguồn tài chính ổn định khi điều chỉnh mức lương tối thiểu

Theo ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty May Hồ Gươm, với mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng bình quân 5,3% so với năm 2018 đã chốt sẽ dẫn đến việc đội các khoản chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đẩy lên đáng kể.

“Doanh nghiệp may sử dụng nhiều lao động. Khi tăng mức lương tối thiểu, doanh nghiệp sẽ phải tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội. Việc tăng lương tối thiểu liên tục như thế này sẽ là gánh nặng của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động”, ông Trịnh cho biết.

Còn theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội, việc tăng lương phải đi theo năng suất lao động, nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực ASEAN. Do đó, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động sẽ tác động đến doanh nghiệp.

Cụ thể, theo ông Mạc Quốc Anh, tăng lương lương tối thiểu vùng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và khi đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Các chính sách lương tăng một năm một lần cũng sẽ làm các doanh nghiệp không chủ động được việc ký kết các hợp đồng hợp tác với các đối tác.

“Doanh nghiệp sẽ phải tính toán và cơ cấu lại bộ máy, đồng thời phải chủ động trong việc tính toán lại các nguyên liệu đầu vào, với quỹ lương đã điều chỉnh như hiện nay các chi phí khác như phúc lợi xã hội để hợp lý và cân bằng. Đối với vốn trung hạn, ngắn hạn và dài hạn doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh để có nguồn tài chính ổn định”, ông Mạc Quốc Anh nêu ý kiến.

PV