Dù tăng ca thường xuyên, song đời sống công nhân chỉ đắp đủ qua ngày
Trước thông tin Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất không tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2019, chị Trang và nhiều đồng nghiệp mà chúng tôi gặp đều rất bức xúc.
"Mỗi năm, giá tiêu dùng và hàng hóa đều tăng, trong khi việc tiền tăng ca phụ thuộc vào thời gian, mức lương cơ bản. Muốn cải thiện thu nhập, công nhân chỉ trông chờ vào việc tăng LTT. Nay VCCI đề xuất không tăng LTT, công nhân chỉ có đường cạp đất mà ăn", anh Hoàng Văn Bình bày tỏ.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện thì chị Trần Thị Trang, công nhân một doanh nghiệp trong KCN Tân Tạo, tìm đến mua một phần dưa leo và xà lách. Khi chúng tôi hỏi về mức thu nhập hiện tại, chị Trang rầu rĩ: "Lương công nhân ba cọc ba đồng, có nai lưng tăng ca thì mỗi tháng cũng chưa đến 6 triệu đồng. Hôm nay ngày cuối tuần, tôi mua ít bún, rau và thịt về làm bữa cơm ăn cả gia đình. Giá cả tăng chóng mặt cao nên mới mua vài món đồ đã hết 50.000 đồng. Ăn uống tằn tiện, kham khổ nhưng tháng nào cũng hết tiền".
Việc không tăng lương tối thiếu nó không chỉ ảnh hưởng đến công nhân mà còn ảnh hưởng đến các tiểu thương xung quanh các khu công nghiệp. Chị Trang, kinh doanh rau củ quả, than thở: "Giá rau hiện tại tăng gấp đôi. Lúc trước, tôi bỏ vào đĩa bán 5.000 đồng/phần nhưng giờ tăng lên 10.000 đồng. công nhân thấy mắc nên họ mua ít lại, dẫn đến hàng bán rất chậm, ít lời".
Chị Hồ Thị Luyến, công nhân Công ty Shin Dong Garment (quận 12, TP. HCM), cho biết chị làm công nhân được 6 năm, đã trải qua 2 công ty. "Cách đây 6 năm, tôi làm công nhân gỗ, lương được 7 triệu đồng, nhưng công việc rất nặng nhọc nên phải nghỉ và xin làm công nhân may. Ở đây, lương ăn theo sản phẩm, có tháng cũng được 9 triệu đồng, có tháng chỉ 5 triệu. Với chi phí hiện tại, tôi chỉ đủ sống ở mức tối thiểu, nếu tháng nào có đám tiệc hay bị đau ốm thì phải mượn bạn cùng phòng", chị Luyến nói, nét mặt đượm buồn.
Bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú (TP. HCM) cho biết: "Qua đợt đi khảo sát thực tế tại các DN trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy thu nhập bình quân của NLĐ đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này bao gồm lương, tiền tăng ca và các khoản phụ cấp khác. Với thu nhập ấy, NLĐ sống hết sức chật vật. Nhiều NLĐ còn có thu nhập thấp hơn do chỉ được hưởng lương bằng mức LTT vùng và không được phụ cấp thêm".
Theo bà Lan, mức lương được các DN trả cho NLĐ hiện nay đều cao hơn mức LTT vùng do Chính phủ quy định. Thế nhưng, DN lại trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên mức LTT vùng. Do vậy, nếu LTT được điều chỉnh tăng thì DN cũng không bị ảnh hưởng nhiều. "Nếu LTT vùng không tăng thì chắc chắn NLĐ cũng sẽ chịu thiệt thòi khi nhận số lương hưu ít ỏi khi về già", bà Lan nói.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ công đoàn (CĐ) cấp trên cơ sở cũng tỏ ra hoài nghi về lý do không tăng LTT vùng của VCCI là để DN lấy chi phí đó đào tạo nghề cho NLĐ. Thực tế, nhiều DN chỉ chú trọng tuyển lao động phổ thông, dạy nghề qua loa, sử dụng 6-7 năm thì tìm cách sa thải để né chi phí tăng lương, trích nộp BHXH, BHYT.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty CP Cơ khí - Xây dựng - Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP. HCM), DN muốn phát triển bền vững thì quan hệ lao động phải ổn định. Do vậy, là một trong các bên tham gia đàm phán tiền lương, chí ít VCCI phải hài hòa được lợi ích DN lẫn NLĐ.
Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Phải đưa ra đề xuất phù hợp Kết quả khảo sát của Viện CN-CĐ cho thấy, có đến 26,5% công nhân phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% có thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ. Bức tranh này, đã chỉ ra những khó khăn, thiếu thốn của hàng triệu lao động trong cả nước. Là đại diện cho các DN trong quá trình những bên tham gia đàm phán tiền LTT, chắc chắn VCCI phải hiểu rõ điều này và đưa ra đề xuất phù hợp, thay vì cho rằng không nên tăng. Đừng để công nhân sống mòn!
PV