“Cần có những đối sách để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) cao, có như vậy sẽ “trám” được khoản thất thu do giá xăng dầu đang giảm, đáp ứng nhiệm vụ chi…” – Đó là ý kiến của PGS. TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khi nhận xét về việc tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xăng dầu.
PGS. TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội
Giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh và có thể xuống 40 USD/thùng trong quý I/2015, thấp hơn so với mức dự báo. Như vậy, liệu có phải điều chỉnh lại dự toán ngân sách, thưa ông?
Đúng là giá xăng dầu giảm có tác động đến thu ngân sách và khả năng ngân sách của chúng ta thâm hụt vài chục nghìn tỷ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ vẫn chưa có động thái có hay không cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để điều chỉnh lại dự toán ngân sách năm 2015.
Theo quan điểm của tôi, dầu thô là nguồn thu quan trọng của ngân sách, nhưng mới hết tháng 1 thôi, dự báo năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta sẽ khá hơn. Với xu hướng cải cách chính sách vĩ mô và các cải cách khác theo nghị quyết của Quốc hội mà Chính phủ đang điều hành có rất nhiều thuận lợi để tăng cường đầu tư.
Bây giờ mới hết tháng 1, các dự báo cũng mới mang tính chủ quan. Tôi nghĩ phải đến tháng 4, tháng 5, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I, chúng ta mới tính toán chính xác khoản hụt thu từ dầu thô như thế nào và có cần phải điều chỉnh dự toán thu - chi năm 2015. Thời điểm đó, mọi dự báo mới có thể bảo đảm tình hình thực tế.
Hiện chúng ta vẫn tiếp tục theo dõi, hy vọng sản xuất năm nay tăng trưởng cao và như vậy sẽ thu được các khoản thu ngoài dầu thô để "trám" vào khoản thất thu do giá xăng dầu đang giảm, đáp ứng nhiệm vụ chi, ngân sách cân đối được.
Để đối phó với việc giá dầu thô giảm mạnh, mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 185 điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xăng dầu. Động thái này là để bù cho khoản thâm hụt ngân sách và đi ngược với xu thế của thế giới không?
Khi giá xăng dầu có thay đổi, Quốc hội cho phép Chính phủ sử dụng rất nhiều biện pháp để bình ổn giá. Tăng thuế cũng là một biện pháp trong quản lý Nhà nước để bình ổn giá.
Bên cạnh đó, tăng thuế là một giải pháp để chúng ta thực hiện mục tiêu quan trọng là luôn luôn bảo đảm hài hòa, chia sẻ lợi ích kinh tế giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân, nhất là trong điều kiện hiện nay chúng ta vẫn phải nhập khẩu dầu để đáp ứng các yêu cầu trong nước.
Tôi cho rằng, việc tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xăng dầu không phải chỉ để bảo đảm nguồn thu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, ông có nhận xét gì về việc này?
CPI là vấn đề rất vĩ mô, ở mức độ nào đấy cũng liên quan đến việc điều hành ngân sách, đặc biệt là nguồn thu. Nhưng CPI giảm lại càng tốt cho tăng trưởng, càng làm cho môi trường vĩ mô ổn định, lại càng tạo điều kiện cho chúng ta giảm thêm lãi suất ngân hàng.
Theo tôi, đôi khi CPI giảm càng tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế mà kinh tế tăng trưởng thì nguồn thu sẽ tăng cao hơn. Và đây cũng là động lực tốt để ổn định môi trường kinh doanh vững chắc hơn - điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong muốn.
Kiểm soát chặt chẽ ngân sách, tránh gây thất thoát, lãng phí và một trong những kênh quan trọng là sự giám sát của người dân. Nhưng thực tế không thể biết được dự toán - quyết toán ngân sách Nhà nước các cấp. ông nhận xét như thế nào?
Vấn đề này là đúng. Vậy, làm thế nào để khắc phục được vấn đề này để người dân tiếp cận và hiểu được dự toán, quyết toán ngân sách. Luật thì không quy định quá cụ thể mà quy định mang tính chất nguyên tắc để Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Tôi công nhận, Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước đang được xây dựng vẫn có những điểm chung chung. Nên sắp tới sẽ tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi để quy định cụ thể, rõ ràng hơn như công khai thông qua cổng điện tử của Chính phủ, địa phương. Ngoài ra, còn những cách gì nữa không cũng phải quy định rõ. Phải chăng nên phát hành ấn phẩm, hay đưa công khai trên các báo của Trung ương.
Tất nhiên, không thể đưa được hết như khi trưng cầu ý kiến nhân dân về Hiến pháp nhưng có thể đưa những thông tin cơ bản. Tinh thần, chúng ta công khai bằng những cách mà hiện nay ta có để làm sao người dân dễ tiếp cận được.
Vấn đề ở đây, chúng ta có đồng ý nên công khai dự toán trước khi Quốc hội hoặc HĐND xem xét, thông qua. Tôi nghĩ, đây là vấn đề Đảng, Nhà nước thấy có lợi và chúng ta quyết tâm xây dựng nền tài chính ngân sách minh bạch, đảm bảo tiền thuế của dân, do dân nộp, sử dụng như thế nào thì dân đóng góp tham gia và giám sát.
Còn cơ chế để người dân có thể giám sát sẽ được thiết kế như thế nào trong Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước?
Chúng ta đã có cơ chế giám sát của người dân như Luật Đầu tư công quy định Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các tổ chức xã hội chủ trì, tổ chức giám sát.
Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước cũng đang xây dựng theo hướng có những quy định về giám sát cộng đồng và giao cho Mặt trận Tổ quốc chủ trì, huy động sâu rộng các tổ chức thành viên để giám sát. Điều này sẽ rất đồng bộ với Luật Mặt trận Tổ quốc hiện đang xây dựng sửa đổi. Vì Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc cũng quy định Mặt trận có chức năng phản biện xã hội và giám sát.
Tôi nghĩ, vấn đề giám sát của cộng đồng phải quy định với những hình thức rất rõ ràng để người dân giám sát được.
Có ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật ngân sách Nhà nước cần quy định chế tài rõ ràng để cơ chế giám sát của người dân đi vào thực chất, không hình thức như hiện nay?
Chúng tôi cũng rất muốn tiếp cận vấn đề giám sát của cộng đồng lần này phải khác. Một khi chúng ta quyết định có một cơ chế mới, một hình thức mới, một cách làm mới thì dứt khoát chúng ta phải có chế tài và quy định trách nhiệm giải trình.
Ví dụ, quy định Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội giám sát ngân sách. Vậy phải quy định rõ, giám sát cái gì? Đó là, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ngân sách, xem các cơ quan thi hành có đúng không, có thực hiện trách nhiệm công khai minh bạch không, có thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không. Và người dân có quyền giám sát thì có quyền chất vấn, yêu cầu các cơ quan, tổ chức được giao quản lý tài sản công, ngân sách phải giải trình.
Tôi nghĩ, không có chế tài gì bằng chế tài phản ánh dư luận của người dân. Không có kỷ luật nào cao bằng việc mất tín nhiệm của người dân đối với các cơ quan công quyền. Rõ ràng, nếu người dân mất tín nhiệm đối với một cá nhân thì có muốn lên làm “quan lớn” cũng khó. Tôi tin rằng, khi có một khung pháp lý thì chúng ta sẽ có cách tổ chức tốt.
Xin cảm ơn ông!
Tuấn Ngọc (Thực hiện)