ảnh minh hoạ
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng và là động lực cho tăng trưởng kinh tế khi đạt mức tăng trưởng 12,35%. Tuy mức tăng trưởng của ngành này thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I-2018 nhưng cao hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2012 đến 2017. Ðáng lưu ý là ngành khai khoáng giảm 2,2%, chủ yếu do khai thác dầu thô và khai thác khí đốt tự nhiên giảm, trong khi tồn kho có xu hướng tăng.
Nông nghiệp cũng tăng trưởng thấp hơn nhiều so cùng kỳ do xuất khẩu nông sản và thủy sản giảm. Cụ thể, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng 1,84%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,97% cùng kỳ năm trước. Lượng và giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như rau quả, hạt điều, cà-phê, hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm sắn giảm khá mạnh so cùng kỳ. Ðáng chú ý, kinh tế Trung Quốc giảm tốc tiếp tục là nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam cả về giá và lượng, trong đó chủ yếu là giảm về giá. Chỉ số giá xuất khẩu nông sản (không bao gồm rau quả) có xu hướng giảm rõ nét.
Riêng khu vực dịch vụ duy trì được đà tăng trưởng nhờ sức mua trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng 9% so cùng kỳ. Dịch vụ lưu trú, ăn uống, và dịch vụ lữ hành giảm tốc do khách du lịch tăng chậm lại ở mức 9,2%. Nguyên nhân do khách du lịch từ thị trường Trung Quốc giảm 5,6%, từ thị trường Hàn Quốc chỉ tăng 24,1% (cùng kỳ năm 2018 tăng gần 70%).
Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam là tích cực và dự báo tăng trưởng trong các quý tới sẽ cải thiện. Ngành nông nghiệp dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp do kinh tế Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản và thủy sản. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ cải thiện tăng trưởng trong các quý sau do đầu tư nước ngoài vào ngành này gia tăng.
Hiện tượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và bổ sung tăng mạnh 30,9% trong quý I (với Trung Quốc, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Nhật Bản là các nhà đầu tư lớn nhất) có thể là tín hiệu cho thấy xu hướng dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ dự báo khó có sự bứt phá vì chịu ảnh hưởng nhất định của việc khách Trung Quốc đến Việt Nam suy giảm khi nền kinh tế nước này giảm tốc độ tăng trưởng.
Hà Trần