Tính đến thời điểm 19/6, theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,05%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%).

Tính đến 19/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 2,45%, thấp hơn nhiều so với mức 6,22% cùng kỳ năm 2019 (Ảnh minh họa)Tính đến 19/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 2,45%, thấp hơn nhiều so với mức 6,22% cùng kỳ năm 2019 (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 2,45%, thấp hơn nhiều so với mức 6,22% cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của thời điểm 19/6 các năm 2016-2020.

Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2020 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (quý 2/2020 ước tính tăng 6%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 13%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%.

Tổng cục Thống kê nhận định hoạt động ngân hàng, bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, tuy nhiên thị trường đang có dấu hiệu tích cực từ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước khi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả.

Trước đó, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ông Nguyễn Quốc Hùng, cho biết: Tăng trưởng tín dụng đến 16/6 đạt 2,13%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước (5,7%).

Trong đó, tín dụng nông nghiệp tăng 0,3%, tín dụng xuất khẩu tăng 4,94%, tín dụng lĩnh vực công nghệ tăng 2,92% so với đầu năm, công nghiệp phụ trợ 2,27%, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và tín dụng tiêu dùng cũng giảm.

Theo lãnh đạo NHNN, tín dụng tăng trưởng chậm là điều phải chấp nhận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh . Hệ thống ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn cho vay do lo ngại nợ xấu.

PV