Tín dụng tăng trưởng thấp nhất 10 năm
Theo số liệu mới nhất, tính đến cuối tháng 6, tín dụng mới tăng 4,03%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm ngoái. Theo ước tính sơ bộ, đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm.
Theo bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, nguyên Giám đốc trường Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank, nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm là do cầu của nền kinh tế yếu, trong cả sản xuất và tiêu dùng.
"Nếu quan tâm đến báo cáo nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc bộ phận hỗ trợ cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ thì thấy rõ vấn đề này. Khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy, gần 60% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là đơn hàng. Khi không có đơn hàng hoặc đơn hàng ít thì buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Như vậy, có tiếp cận tín dụng cũng không có đầu ra của sản phẩm", bà Mùi cho biết.
Còn việc cho rằng lãi suất cao cũng là một khía cạnh, bà Mùi đánh giá, "điều kiện tiếp cận tín dụng khó khăn cũng chỉ là một khía cạnh. Do đó phải giải quyết vấn đề cầu của nền kinh tế. Cầu ở đây bao gồm: cầu sản xuất, cầu tiêu dùng. Khi cầu được khích lệ làm cho cầu tín dụng có khả năng tăng lên".
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với định hướng giảm lãi suất cho vay. Về vấn đề này, bà Mùi cho rằng việc giảm lãi suất có kích thích nhu cầu vay vốn, nhưng không phải tất cả. Vì đối với những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và như vậy doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn ngân hàng.
"Hạ lãi suất cũng chỉ là một cách để kích cầu tín dụng, nhưng cần có những biện pháp tổng thể hơn nữa, cầu tín dụng mới có thể khá lên được và tăng trưởng tín dụng mới được như mong muốn", bà Mùi nhận định.
Nhiều gói ưu đãi kích cầu tín dụng người dân
Lãi suất vẫn luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều người đi vay. Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hơn 30 ngân hàng thương mại đã quyết định hạ lãi suất huy động, đồng thời đưa ra hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu vay vốn cho sản xuất kinh doanh.
"Giảm lãi suất từ 0,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường. Quy định rõ ràng điều kiện tham gia và trong quá trình triển khai, có sự đánh giá để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn và chỉnh sửa kịp thời", bà Phạm Thị Vân Khánh, Giám đốc Ban khách hàng Doanh nghiệp BIDV, thông tin.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt LPBank vừa quyết định mở rộng gói tín dụng ưu đãi lên 10.000 tỷ đồng. Với mạng lưới giao dịch rộng khắp, họ đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh ở cả thành thị và nông thôn. Mức lãi suất từ 7,5%/năm dành cho vay doanh nghiệp và 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân.
Khảo sát ở nhiều ngân hàng cho thấy, các gói vay ưu đãi hiện đang thấp hơn từ 0,5 - 2%/một năm tùy thuộc nhóm khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách miễn giảm phí dịch vụ chuyển tiền hay giảm phí thanh toán xuất nhập khẩu.
Một thông tin khác cũng được quan tâm gần đây là việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 06 sửa đổi bổ sung Thông tư 39, quy định về hoạt động cho vay.
Thông tư quy định cấm cho vay với một số mục đích như vay sau đó cầm tiền đi gửi tiền, vay để mua vàng miếng; vay để trả khoản nợ cũ tại chính ngân hàng đó, hay vay để góp vốn, hợp tác đầu tư cho dự án không đủ điều kiện kinh doanh; vay để trả nợ khoản vay nước ngoài, khoản cấp vốn tại ngân hàng khác, trừ trường hợp vay để trả nợ trước hạn với một số điều kiện cụ thể...
Một trong những vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là vay vốn nhưng không có tài sản đảm bảo, không có sổ đỏ. Để gỡ nút thắt này, ngày càng nhiều ngân hàng đưa ra các giải pháp cho vay không tài sản đảm bảo, hoặc vay tín chấp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận tiện hơn.
Chuyên nhập khẩu các loại ô tô tải, Công ty CP Xuất nhập khẩu Gia Bảo có thể vay vốn bằng các bộ chứng từ nhập khẩu, mà không cần phải có bất động sản thế chấp như trước kia. Đợt này, doanh nghiệp cũng được giảm 2% lãi suất vay so với năm ngoái.
"Đối với mỗi bộ chứng từ nhập khẩu, mình sẽ được ký quỹ một phần, phần còn lại ngân hàng sẽ tài trợ. Khi chứng từ về, ngân hàng sẽ cho vay và giải ngân để thanh toán nước ngoài. Hiện tỷ lệ cho vay khoảng 75 - 80%", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Gia Bảo, chia sẻ.
"Khi khách hàng cung cấp các thông tin cơ bản về doanh nghiệp của mình, với hệ thống máy học đã có và những thông tin chúng tôi đã tập hợp, trong vòng 10 giây chúng tôi có thể cung cấp hạn mức dự kiến cho khách hàng vay. Hạn mức này có thể tăng hoặc giảm sau khi chúng tôi đi thực địa và trao đổi trực tiếp với khách hàng", bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối chiến lược MSB, cho biết.
Các ngân hàng kỳ vọng, chính sách cho vay linh hoạt này sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tín dụng từ doanh nghiệp.
Với nhiều giải pháp được đưa ra, theo bà Nguyễn Thị Mùi, tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm phụ thuộc vào vấn đề triển khai chính sách và hiệu quả của các chính sách, các gói giải pháp.
Theo khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng 4,4% trong quý III tới, cho thấy các ngân hàng vẫn khá thận trọng. Để thúc đẩy tín dụng, các ngân hàng sẽ buộc phải giảm lãi suất cho vay về mức phù hợp hơn với doanh nghiệp. Đây cũng là yêu cầu xuyên suốt được Thủ tướng Chính Phủ nhấn mạnh trong các chỉ đạo, điều hành, nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Hồng Nhung (T/h)