Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

​Để bảo đảm mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong vận chuyển, lưu thông để tiêu thụ tại thị trường trong nước sản lượng lớn các mặt hàng nông sản của các địa phương (sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn) đã, đang và sắp vào vụ thu hoạch được kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 theo dự báo còn diễn biến khó lường, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các công việc sau:

Vụ Thị trường trong nước: Đầu mối, phối hợp các đơn vị của Bộ chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối (truyền thống và hiện đại) tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong hệ thống từ 2 lần trở lên so với năm cao nhất.

Phối hợp Cục Xúc tiến thương mại tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Chủ động phối hợp hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động kết nối trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội).

Đầu mối, phối hợp các đơn vị của Bộ tham mưu, triển khai, đề xuất các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa việc tồn ứ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng trong khâu lưu thông.

Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị hướng xử lý các bất ổn của thị trường, đặc biệt là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và điều phối giữa các địa phương khi cần.

Phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt, hợp tác xã địa phương ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Đầu mối chủ trì chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đếm năm 2030”.

Cục Xúc tiến Thương mại: Đầu mối chủ trì, phối hợp Vụ Thị trường trong nước tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương (thông qua Sở Công Thương). Chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương đối với hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội).

Đầu mối chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ, hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: Đầu mối chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia…

Đầu mối chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn (đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch) ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín.

Tổng cục Quản lý thị trường: Xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị này tới lực lượng quản lý thị trường cả nước; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng nông sản nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác. Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại trên môi trường trực tuyến. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các mặt hàng nông sản (sản xuất trong nước và nhập khẩu) trên thị trường.

Phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, tiêu thụ hàng hóa nông sản; tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng khi lưu thông qua các tỉnh, thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12 tháng 5 năm 2021 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và Công điện số 2734/BCT-KH ngày 17 tháng 5 năm 2020 về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đầu mối chủ trì, phối hợp các sở, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện (và người áp tải, giao, nhận hàng) khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng khi lưu thông qua các tỉnh, thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, Công văn số 873/BCT-TTTN ngày 18 tháng 2 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh lưu thông hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản, Công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 01 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch và các văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành liên quan, đảm bảo hàng hóa thiết yếu, nông sản an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm được lưu thông thông suốt.

Đầu mối, phối hợp các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối (hiện đại và truyền thống), có giải pháp ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn chủ động và tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các địa phương từ hai lần trở lên so với năm 2020.

Đầu mối chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư (quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ…) để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay giãn cách, cách ly xã hội.

Đầu mối chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch; ưu tiên hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản (đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh).

Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương khác và các doanh nghiệp phân phối lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước; tham mưu, báo cáo, đề xuất lãnh đạo địa phương làm việc với lãnh đạo các địa phương khác cùng phối hợp xử lý các vướng mắc trong hoạt động tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Đầu mối chủ trì, phối hợp các sở, ngành đôn đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, biển đảo... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

Đầu mối, phối hợp các sở, ngành rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản, nông sản, thủy sản và các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết.

Phối hợp Sở Giao thông vận tải và các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn xây dựng phương án vận tải hàng hóa thiết yếu, trong đó có các mặt hàng nông sản theo từng cấp độ để chủ động ứng phó với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 nhằm hỗ trợ vận chuyển lưu thông hàng hóa trên địa bàn được kịp thời, hiệu quả và huy động các phương tiện vận tải này hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết.

Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản của nhà nước, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.

Các Hiệp hội ngành hàng: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo các thành viên Hiệp hội tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các địa phương, chủ động tổng hợp, đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phân phối ứng phó kịp thời với những biến động bất thường để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

Chỉ đạo, vận động các thành viên Hiệp hội mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư (quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ…) để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay giãn cách, cách ly xã hội.

Chỉ đạo các thành viên Hiệp hội tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trên môi trường số (thương mại điện tử, đi chợ hộ…), để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện dịch bệnh (phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội).

Minh Anh

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)