PV: Xin quý lãnh đạo Tập đoàn cho biết, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này đã ảnh hưởng như thế nào đối với doanh nghiệp?

Dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm với 4 đợt bùng phát mạnh trong cả nước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, trong đó vận tải hành khách và taxi là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất. Dịch như những đợt “sóng thần”, doanh nghiệp vận tải chưa kịp “hồi sức” sau đợt sóng này thì lại liên tiếp đến những đợt sóng mới.

Đại diện Hiệp hội taxi TP.HCM từng thống kê, doanh thu liên tục giảm mạnh so với trước dịch từ 40 – 60%, tại một số thời điểm và địa phương, doanh thu có khi chỉ bằng 0.

Trong khi đó, các khoản chi phí lớn phải trả như lãi suất vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí kiểm định, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi… gần như là cố định, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động ổn định của các đơn vị vận tải.

Tuy nhiên, với tinh thần của một đơn vị vận tải đứng đầu cả nước gần 30 năm qua, Mai Linh đã xác định, ảnh hưởng của dịch bệnh là “liều thuốc thử” cho doanh nghiệp.

Theo đó, ngay từ khi bắt đầu khởi phát dịch, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển hướng và có các phương án phòng và chống trong thời kỳ khủng hoảng. Mai Linh tăng tốc phát triển hệ sinh thái bao gồm taxi, xe công nghệ (Mai Linh SmartCar), xe hợp đồng, xe cho thuê, xe bus, xe đường dài, tàu cao tốc; logistics đầu cuối (phát chuyển nhanh, vận chuyển hàng hóa); kinh doanh bảo hiểm; dịch vụ du lịch; dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa xe; cứu pan, cứu hộ 24/7, tàu cao tốc…

Đồng thời, chúng tôi liên tục tái cơ cấu bộ máy nhằm phù hợp với tình hình phát triển chiến lược của doanh nghiệp và kinh tế xã hội; nhanh chóng chuyển dịch sang việc ứng dụng tối đa hiệu quả công nghệ và phương thức làm việc mới, thông minh của thời kỳ “bình thường mới”; chú trọng xây dựng cơ chế sản phẩm linh hoạt, lấy khách hàng làm trọng tâm…

Ông Hồ Anh Dương - CEO Công Ty CP Tập Đoàn Mai Linh
Ông Hồ Anh Dương - CEO Công Ty CP Tập Đoàn Mai Linh. (Ảnh: MAI LINH)

PV: Để chia sẻ và đồng hành cùng người lao động ổn định cuộc sống, vượt qua dịch bệnh, Tập đoàn Mai Linh đã có những hỗ trợ như thế nào?

Đối với Mai Linh, tiêu chí hoạt động quan trọng nhất trong mùa dịch Covid-19 này là sự an toàn, sức khỏe và hỗ trợ người lao động.

Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho lái xe, hành khách và cộng đồng, Mai Linh đã chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh cho hành khách và lái xe như nghiêm túc thực hiện 5K hàng ngày, khử khuẩn vệ sinh xe bằng dung dịch nước sát khuẩn sau mỗi chuyến đón/chở khách, chủ động trang thiết bị vệ sinh. Chúng tôi cũng đang nhanh chóng tiến hành lắp đặt vách ngăn trên xe taxi tại một số địa phương sớm nhất có thể.

Trong thời điểm hiện tại, quan trọng nhất là ổn định tâm lý và tinh thần “chiến đấu” của đội ngũ CBNV; lái xe… chung sức chung lòng cùng nhau vượt qua giai đoạn thử thách này. Mai Linh đã linh hoạt áp dụng các chính sách kinh doanh phù hợp từng dòng sản phẩm dịch vụ như giảm % phí quản lý cho xe hợp tác kinh doanh, hỗ trợ tỷ lệ trong doanh thu áp dụng phù hợp theo từng công ty, địa phương, theo tình hình kinh doanh thực tế tại từng đơn vị, để anh em lái xe, nhà đầu tư ổn định kinh doanh; bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề cao những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất tinh thần của lái xe như một người đồng hành cùng anh em trong giai đoạn này.

PV: Để ổn định kinh doanh và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh này, doanh nghiệp cần hỗ trợ chính sách gì?

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông các tỉnh thành cũng đã rất sâu sát và đại diện doanh nghiệp đề xuất lên Chính phủ và các bộ ban ngành liên quan có những chính sách miễn giảm, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp vận tải trong mùa dịch.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, về tầm nhìn, trong bối cảnh hiện nay Chính phủ nên có những chiến lược để hỗ trợ, giải cứu theo góc độ của quốc gia, tung các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có thể đứng vững và tái đầu tư cho tương lai.

Chính phủ cũng nên chuẩn bị các chương trình kích cầu trong phạm vi cả nước và triển khai ngay sau khi tình hình dịch ổn định trở lại để đẩy mạnh tăng trưởng cho các ngành liên quan.

Về ngắn hạn, chúng tôi cũng đề xuất những chính sách liên quan đến thuế, phí, lãi suất, bảo hiểm xã hội như:

Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 6 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; Giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.

Ngân hàng áp dụng giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giảm tiến độ thanh toán cho các khoản vay đã đến hạn, gia hạn đến 31/12/2021 giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; Đối với các doanh nghiệp vận tải còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến 31/12/2021 (không tính lãi chậm nộp).

Ngoài ra, cho các doanh nghiệp vận tải được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021. Điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải 24 tháng đối với chu kỳ đầu và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng.

Vũ Lê