Sau khi đổ bộ vào khu vực biên giới Việt - Trung, bão số 2 (Rammasun) đã suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây bắc.

Cây xanh gãy đổ trên nhiều tuyến đường tại TP Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: TTXVN

Trưa nay (20-7), vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, các tỉnh vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa to đến rất to kéo dài đến ngày 22-7. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của mưa lớn, trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình nhiều khả năng xuất hiện đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 2 đến 6m, ở hạ lưu từ 2 đến 4m. Mực nước lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 2; sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng lên mức báo động 1; mực nước ở thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động 1, hạ lưu tại Phả Lại có khả năng lên mức 3m; sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên 5,5 mét; các sông nhỏ vùng núi phía Bắc và Đông bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai có khả năng lên mức báo động 2-3. Cần đề phòng ngập úng vùng trũng, lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Đông bắc gồm Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.

Ngày 19-7, chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 2 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương quan tâm đến các điểm xung yếu trên các tuyến đê sông, đê biển, vùng núi, đặc biệt cảnh giác mưa lớn có thể xảy ra trên diện rộng; thường trực 24/24h, theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ, triển khai phương án sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi sự cố xảy ra. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo PCLB trung ương sáng 19-7, triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc thông tin kịp thời diễn biến của bão để người dân biết, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng tiếp tục rà soát có kế hoạch sơ tán dân ở các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối đến nơi an toàn; thường xuyên kiểm tra mực nước, hiện trạng công trình và quy trình vận hành hồ chứa, bảo đảm an toàn chống lũ.


Bão số 2 đã gây nhiều thiệt hại trên địa bàn thành phố Móng Cái. Ảnh: Việt Dũng

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ninh (địa phương trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão), sáng 19-7, cơn bão số 2 với sức gió giật cấp 10, cấp 11 kèm theo mưa lớn đã đổ bộ vào TP Móng Cái gây thiệt hại không nhỏ cho người dân địa phương. Tại TP Móng Cái và nhiều địa phương khác của tỉnh đã xảy ra tình trạng mất điện ảnh hưởng đến các xưởng nông sản đông lạnh. Một số tuyến đường liên huyện bị sạt lở ảnh hưởng đến việc lưu thông... Thống kê sơ bộ bước đầu, toàn tỉnh có 4 nhà tạm bị sập, 119 ngôi nhà bị tốc mái hư hỏng, 5 cột điện bị đổ, 1 cột ăng ten của Vinaphone tại xã Quảng Đức (huyện Hải Hà) bị gãy, khoảng 300 cây xanh bị gãy... Ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Hiện các địa phương chưa thống kê được số lượng người bị thương do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Thiệt hại nặng nhất là TP Móng Cái, với 97 nhà, xưởng sản xuất bị tốc mái, 200 cây xanh bị gãy đổ, một số công trình công cộng bị sập đổ. Huyện Tiên Yên có 3 nhà bị sập, 8 nhà bị tốc mái, 50 cây xanh bị đổ... Đáng ngại, lũ trên sông Bình Liêu lên khá nhanh, còn ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh rất dễ xảy ra sạt lở đất và lũ quét. Chỉ đạo công tác phòng chống bão tại TP Móng Cái, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, vấn đề đặt ra là tập trung khắc phục nhanh chóng, hiệu quả và bám sát diễn biến mưa lũ sơ tán dân ngay tại những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Trong ngày, cùng với việc sơ tán người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn để tránh bão, các lực lượng của tỉnh Quảng Ninh đã có mặt ở những vị trí xung yếu phòng chống lũ và có mặt kịp thời giúp nhân dân sửa chữa lại nhà cửa bị hư hỏng do hậu quả thiên tai gây ra. 

Tại Hà Nội, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trên địa bàn thành phố có mưa vừa, có nơi mưa to, tuy nhiên mực nước trên các sông và hồ đập vẫn ở dưới mức thiết kế cho phép. Đề phòng diễn biến phức tạp, các địa phương khu vực ngoại thành đã chủ động công tác kiểm tra và ứng trực, thực hiện nghiêm phương châm "bốn tại chỗ", huy động tối đa mọi nguồn lực tham gia PCLB, bảo đảm không để xảy ra tình trạng úng ngập ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Hơn 1.000 trạm bơm tiêu với trên 3.500 máy bơm các loại của các địa phương và doanh nghiệp thủy lợi của thành phố sẵn sàng phục vụ chống úng...

Theo Hà Nội Mới