Tập trung nghiên cứu, kiểm soát hành vi loạn thần, hoang tưởng, ngáo đá - Hình 1

Ảnh minh họa đối tượng ngáo đá

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị nghiện ma túy tổng hợp. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamin thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn ban hành kèm theo Quyết định số 3556/QĐ-BYT ngày 10/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hiện ngành y tế đang tập trung nghiên cứu về điều trị nghiện methamphetamine, được quan tâm nhiều nhất là mô hình Matrix. Mô hình này đã được áp dụng, triển khai thí điểm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương nhằm phục hồi cho người nghiện methamphetamine với sự tham gia các thành viên gia đình nhằm đạt được các mục tiêu.

Cụ thể, chấm dứt sử dụng methamphetamine; tuân thủ điều trị; giáo dục tâm lý cho các thành viên trong gia đình. Trong 16 tuần tham gia trị liệu không có người bệnh nào tái sử dụng ATS (100% kết quả xét nghiệm nước tiểu âm tính). Mặc dù trong giai đoạn thí điểm, cỡ mẫu nhỏ (20 bệnh nhân tham gia), tuy nhiên những hiệu quả được ghi nhận tích cực, bước đầu xây dựng quy trình ứng dụng mô hình Matrix tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ y tế làm công tác điều trị nghiện ma túy, hằng năm Bộ Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn, đồng thời chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn về chẩn đoán và điều trị nghiện ma túy nhóm Opiats, nghiện ma túy tổng hợp cho những cán bộ y tế có nhiệm vụ, thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy, cán bộ làm công tác điều trị nghiện ma túy theo Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09/7/2015 của Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy.

Bên cạnh việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các phương pháp điều trị những rối loạn do sử dụng, nghiện ma túy tổng hợp, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trong cộng đồng.

Để thực hiện việc này, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mở rộng các cơ sở điều trị và thiết lập các điểm cấp phát thuốc Methadone tại các xã, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Kết quả thu được khả quan, tính đến tháng 9/2017 đã có 26 địa phương triển khai, với tổng số bệnh nhân uống thuốc Methadone tại xã/phường chiếm 22% tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị. Việc tổ chức cho bệnh nhân uống thuốc Methadone tại trạm y tế xã, giảm rất nhiều thời gian đi lại của người bệnh và góp phần duy trì điều trị.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc “đẩy mạnh điều trị thay thế bằng Methadone cho người nghiện ma túy tại cộng đồng và có kiểm soát. Hằng năm, đánh giá kết quả chương trình điều trị Methadone, đề xuất các giải pháp phù hợp cho thời gian tới”. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai điều trị Methadone. Bộ Y tế đã cử các đơn vị đầu mối phối hợp, tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban quốc gia 50, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đi kiểm tra tình hình triển khai điều trị Methadone tại nhiều địa phương, đơn vị trên toàn quốc, qua đó tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và giải pháp triển khai mở rộng điều trị Methadone.

Tính đến hết 30/9/2017, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố, với 299 cơ sở điều trị và điều trị cho 52.818 bệnh nhân, đạt 65,2% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1008/QĐ-TTg.

Chương trình đã tiếp tục mở rộng phát thuốc tại tuyến xã (hiện đã có 26 địa phương triển khai, với tổng số bệnh nhân chiếm 22% tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị). Các tỉnh miền núi như Lai Châu, Điện Biên có đến 40% -50% bệnh nhân uống thuốc tại xã. Chương trình về cơ bản được triển khai theo đúng các quy định của pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Bệnh nhân do ngành y tế điều trị chiếm tỷ trọng chủ yếu, chiếm 89,3% trong tổng số bệnh nhân được điều trị Methadone, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý chiếm 10,37% và do ngành Công an quản lý (tại Trại giam Phú Sơn 4) chiếm 0,33%.

An Châu