THCL - Lần đầu tiên trong gần hai năm gần đây, hai cụm tàu sân bay Mỹ - gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis - cùng không quân hải quân, 3 tàu tuần dương tên lửa, 6 tàu khu trục tên lửa cùng tham gia hoạt động tác chiến, được tiến hành vào tháng 6.2016 trên vùng biển Philipines


Cụm tàu sân bay tấn công chủ lực CSG

Các chiến hạm và máy bay chiến đấu của hai cụm tàu sân bay tấn công triển khai chiến dịch diễn tập phối hợp ở vùng biển quốc tế, bắt đầu từ ngày 18.6.2016, nhằm "thể hiện năng lực duy nhất của Mỹ trong việc điều hành tác chiến nhiều cụm tàu sân bay tấn công ở phạm vi gần", phát ngôn viên hải quân Mỹ cho biết.

Các hoạt động tác chiến của hai cụm tàu sân bay tấn công này thực hiện bao gồm diễn tập phòng không, trinh sát biển, tấn công tầm xa.

Đáp trả hành động này, thiếu tướng Bành Quang Khiêm, Phó chủ tịch Ủy ban chính sách an ninh Trung Quốc nói tại Diễn đàn hòa bình thế giới lần thứ 5 (do Trung Quốc tổ chức tại Hong Kong), rằng Mỹ có 10 tàu sân bay, nhưng cho dù có đưa 11 tàu sân bay đến Biển Đông thì cũng "không chiếc nào trở về được".

"Cụm tàu sân bay chiến đấu của Mỹ đến Biển Đông sẽ trở thành những chiếc 'bia sống', hải quân Trung Quốc có đủ năng lực làm việc này" -tướng Bành tuyên bố.

Tình huống Mỹ đưa hai cụm tàu sân bay tấn công vào Biển Đông đã tạo một "đợt sóng lớn" những bình luận về khả năng răn đe, ngăn chặn của Mỹ trên Biển Đông, cũng như khả năng hệ thống tên lửa chống hạm, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc có thể đối phó được với các cụm tàu sân bay Mỹ.

Việc Mỹ đưa tàu sân bay vào tác chiến trên Biển Đông hoàn toàn không mới, cũng như hai cụm tàu sân bay tấn công chủ lực này trên thực tế chỉ là tín hiệu mang tính cảnh báo về quyết tâm của Mỹ trong vấn đề ngăn chặn khả năng quân sự hóa vùng biển quốc tế của Trung Quốc.

Trên thực tế, không chỉ có một số lượng tàu nhỏ hộ tống theo tàu sân bay như sự kiện vừa qua, mà trong một cuộc xung đột tiềm năng, Mỹ sẽ phải triển khai một cụm binh lực hải quân với số lượng rất lớn. Điển hình là sự tham gia của hải quân Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa này, Mỹ đã điều động một lực lượng Hải quân khổng lồ, kể từ sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần thứ 2 vào ngày 04.08.1964.

Ngay sau khi tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố đáp trả, sáng ngày 05.08.1964, 64 máy bay chiến đấu hải quân từ tàu sân bay "Constellation" và "Ticonderoga" đã tiến hành cuộc không kích vào các căn cứ hải quân và hải cảng của Miền Bắc Việt Nam.

Sau sự kiện này, có được "chìa khóa mở cửa" chiến tranh, Mỹ nhanh chóng tập trung lực lượng quân sự trong khu vực Đông Nam Á.

Tàu sân bay USS Constellation (CVA-64)

Tàu sân bay USS Ticonderoga (CV-14)

Đến đầu năm 1965, trên vùng nước ven biển Việt Nam đã tập trung 42 chiến hạm Mỹ. Trong đó có 3 tàu sân bay, mang theo 294 máy bay không quân hải quân (KQHQ). Từ thời điểm, vùng nước ven biển Việt Nam là khu vực hoạt động của hơn một nửa lực lượng hạm đội 7 Mỹ.

Năm 1966, trên Biển Đông Mỹ có khoảng gần 100 chiến hạm, 4 tàu sân bay và 18 tàu đổ bộ, lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ có khoảng 41.000 lính.

Tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã sử dụng Liên đoàn tàu sân bay tấn công chủ lực cấp chiến lược, chiến dịch số 77 (Carrier Task Force 77 – CTF77) thuộc hạm đội 7. Tham gia luân phiên hoạt động trong Liên đoàn tàu sân bay tấn công chủ lực này là 15 tàu sân bay tấn công chiến dịch, và 2 tàu sân bay chống ngầm, tiến hành 66 chiến dịch.

16 tàu sân bay Mỹ tham gia trong chiến tranh Việt Nam gồm:  "Enterprise", "America", , "Independes", "Kitty Hawk", "Constellation", "Ranger", "Saratoga", "Midway", "KoralSi", "Franklin D . Roosevelt "," Bon Homme Richard ", " Oriskany "," Ticonderoga "," Hancock "và" Forrestal".

Một số tàu sân bay đã  thực hiện 5 -7 chiến dịch hoạt động chiến đấu ven bờ biển của Việt Nam. Điển hình, tàu sân bay hạt nhân "Interprise" trong giai đoạn từ 1965-1972, đã thực hiện 6 chiến dịch hoạt động chiến đấu ở miền Nam -Tây Thái Bình Dương. Từ tàu sân bay này, các máy bay chiến đấu đã tiến hành hơn 39.000 lần xuất kích, sử dụng 30.000 tấn bom đạn và thả 400 quả thủy lôi.

Trong chiến tranh Không – Hải hiện đại, tàu sân bay trở thành phương tiện tác chiến vạn năng, đặc biệt nguy hiểm đối với các đối thủ tiềm năng. Khả năng mang trên tàu các loại máy bay chiến đấu khác nhau cho phép mỗi cụm tàu sân bay tấn công chủ lực có thể độc lập thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ chiến đấu. Bao gồm trinh sát, kiểm soát, khống chế không phận và tiêu diệt máy bay đối phương, thực hiện nhiệm vụ chiến dịch chiến thuật chống ngầm và các cụm chiến hạm đối phương, đổ bộ đường không, thực hiện các cuộc không kích các mục tiêu ven biển và sâu trong không gian chiến trường. Sự ra đời của tàu sân bay năng lượng nguyên tử cho phép các máy bay chiến đấu có thể được trang bị các loại vũ khí hủy diệt lớn, trong đó có vũ khí hạt nhân.

Tàu sân bay trong lực lượng Hải quân Mỹ trên thực tế là một đơn vị tác chiến, phối hợp với các chiến hạm mặt nước và tàu ngầm hình thành một lực lượng tác chiến độc lập và trong đội hình chiến đấu tấn công cấp chiến lược – chiến dịch. Có khả năng giải quyết các nhiệm vụ trên một không gian chiến trường có chiều sâu và chiều rộng, đủ sức tấn công các cụm tàu tấn công chủ lực của đối phương.

Hoạt động trên vùng biển Việt Nam, trong biên chế của Liên đoàn tàu sân bay tấn công chủ lực CTF 77 thông thường có từ 2 – 5 tàu sân bay, 5 tàu tuần dương, 15 tàu khu trục và 6 hộ tống hạm. Các cụm tàu sân bay tấn công chủ lực (Carrier Strike Group – CSG) thường thiết lập vành đai phòng thủ bao gồm các tàu tuần dương, khu trục, hộ tống hạm trên khoảng cách từ 20 – 30 cab xung quanh tàu sân bay.

Trên không trung, các máy bay trinh sát cảnh báo sớm AEW& C thường xuyên hoạt động ngày đêm, các máy bay tiêm kích phòng không hoặc tuần tiễu trên bầu trời hoặc trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Hệ thống chống ngầm do một nhóm chiến hạm chống ngầm (chiến hạm nổi và tàu ngầm), máy bay tuần tiễu đảm nhiệm hoặc lực lượng các máy bay tuần biển chống ngầm "Orion" và "Neptune", cất cánh từ các sân bay trên mặt đất gần khu vực chiến sự đảm nhiệm.

Tàu sân bay USS Enterprise (CV-6)

Biên chế cơ cấu tổ chức binh lực của Liên đoàn tàu sân bay tấn công chủ lực CTF 77: với 2 tàu sân bay có khoảng 152 — 166 máy bay chiến đấu. Trong đó, có theo thứ tự là 86 – 96 máy bay cường kích, 48 máy bay tiêm kích.

Với 3 tàu sân bay, tỉ lệ sẽ là 240 — 250 máy bay (có 130—150 cường kích, 72 — 84 tiêm kích). Với 4 tàu sân bay, tỷ lệ sẽ là 312 — 324 máy bay (166—184 cường kích, 96 tiêm kích). Đây thực sự là một con số ấn tượng đủ để đánh chiếm và tấn công không chỉ một cụm quần đảo, mà có thể bao phủ toàn bộ không gian chiến trường đối với một quốc gia nhỏ.

Như vậy, cơ cấu biên chế tổ chức của CTF – 77 trên chiến trường Việt Nam cho thấy, tàu sân bay chính là phương tiện then chốt để giải quyết vấn đề chiến lược mà các cụm chiến hạm khác không thực hiện được.

Các tàu hộ tống thế hệ mới hiện nay của Hải quân Mỹ đều được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa lớp Aegis, hệ thống tên lửa hành trình “Tomahawk” ống phóng thẳng đứng, tên lửa chống tàu. Những loại vũ khí trang bị hiện đại này cho phép phòng thủ vững chắc bảo vệ tàu sân bay chống lại một cuộc tấn công của các lực lượng hải quân hiện đại ngày nay.

Những tính năng kỹ chiến thuật ưu việt của tàu sân bay là: tiềm lực tác chiến rất cao, khả năng tác chiến đa năng và khả năng cơ động rất cao.

Tiềm lực chiến đấu cao:  được thể hiện ở khả năng mang theo rất nhiều các loại vũ khí khác nhau. Một cụm tàu sân bay tấn công chủ lực có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển ở khoảng cách lên đến 1000 km, theo chiều sâu chiến trường các mục tiêu ven biển đến 1600 km.

Cụm tàu sân bay có khả năng tác chiến đa năng: Khái niệm này được hiểu tàu sân bay có thể thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ khác nhau:

Tiêu diệt các cụm tàu chiến đấu của đối phương trên vùng nước tác chiến, tấn công các mục tiêu trên bờ biển và sâu trong lãnh thổ đối phương, che chắn đường không và yểm trợ hỏa lực cho lực lượng đổ bộ đường không, đường biển, yểm trợ cho lực lượng bộ binh hoạt động trên khu vực chiến sự ven biển.

Chiếm ưu thế trên không và duy trì khả năng thống trị bầu trời trong vùng chiến sự, thực hiện nhiệm vụ phòng không hạm đội, phòng không lực lượng đổ bộ; bảo vệ các đoàn vận tải quân sự dân sự trên đường ra biển lớn.

Phong tỏa bờ biển đối phương, tiến hành các hoạt động trinh sát đường không, đổ bộ lực lượng đường không lên bờ biển đối phương.

Năng lực cơ động tác chiến cao: Đó là khả năng có thể triển khai một cụm không quân tấn công trong thời gian ngắn nhất. Trong vòng một ngày đêm có thể cơ động đến 1000 km, năng lực cơ động một cụm binh lực không quân và lính thủy đánh bộ trong một thời gian như vậy, hiện nay duy nhất chỉ Mỹ có khả năng thực hiện.

Nhược điểm của tàu sân bay: Nhược điểm duy nhất của cụm tàu sân bay tấn công chủ lực là không có khả năng giữ bí mật. Hầu như tất cả các nước có nền quân sự đủ mạnh đều có thể cập nhật thường xuyên vị trí của các tàu sân bay trên đại dương.

Trong điều kiện bùng phát xung đột cường độ cao, tàu sân bay luôn là mục tiêu ưu tiên của tất cả các loại hỏa lực tấn công của đối phương. Nhưng cũng vì vậy mà hiện nay, các tàu sân bay không hoạt động độc lập mà thường nằm trong đội hình của một nhóm tàu bảo vệ đi cùng.

Khả năng phòng ngự của cụm tàu sân bay CSG

Hiện nay, những loại vũ khí có thể tiêu diệt được tàu sân bay hiệu quả không nhiều, chủ yếu là tên lửa hành trình và ngư lôi, sau đó là tên lửa đạn đạo (chưa có khả năng kiểm chứng). Phương tiện mang chủ yếu của các loại vũ khí này là chiến hạm nổi, tàu ngầm, không quân. Trung Quốc đưa vào thêm phương tiện mang là các tên lửa đạn đạo đa tầm.

Để bảo vệ hiệu quả và tạo ra sức mạnh tấn công, Hải quân Mỹ tổ chức các đơn vị tấn công mặt nước, được gọi là Cụm tàu sân bay tấn công chủ lực (Carrier Strike Group – CSG). Trong biên chế của một cụm CSG ngoài tàu sân bay còn có tàu tuần dương, khu trục hạm, tàu hộ tống hạm đa nhiệm, tàu ngầm nguyên tử tấn công đa nhiệm và các tàu hậu cần kỹ thuật bảo đảm.

Số lượng các tàu trong một cụm tàu tấn công phụ thuộc vào số lượng tàu sân bay (1 chiếc hoặc hơn), đối tượng tác chiến, yêu cầu nhiệm vụ và yêu cầu khả năng cơ động. Tất nhiên, điều đó khiến cho nguồn binh lực bị chia sẻ, nhưng tất cả các phương tiện tác chiến tập hợp lại trong một cụm binh lực tấn công tạo nên một tiềm năng tác chiến đáng sợ.

Các cụm tàu sân bay tấn công CSG hình thành nên các tuyến phòng phòng thủ, như tuyến phòng thủ tên lửa, tuyến phòng không và tuyến phòng thủ chống ngầm. Như vậy, xung quanh hạt nhân chủ lực - tàu sân bay - hình thành một hệ thống phòng ngự vô cùng khó đột phá. Điểm đặc biệt hơn, không đoàn không quân hải quân trên tàu vừa thực hiện sức mạnh tấn công của cụm tàu, vừa đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong nhiệm vụ phòng ngự.

Để chống lại các tên lửa đạn đạo, hành trình chống tàu tấn công được phóng từ các phương tiện mang trên không, dưới ngầm và trên biển, lực lượng phòng ngự của cụm CSG hình thành hệ thống phòng thủ nhiều lớp có chiều sâu đến 700 km. Nhằm khai thác tối đa khả năng của các loại vũ khí, trang thiết bị phòng không, cụm tàu CSG tổ chức phòng thủ nhiều lớp theo 3 vùng phòng không:

- Vùng phòng không tầm xa: bao gồm máy bay AEW&C (trinh sát, phát hiện mục tiêu và cảnh báo sớm), tàu radar tiền tiêu (RLD), máy bay chiến đấu tuần tra trên không, tên lửa phòng không (SAM) tầm trung trên các chiến hạm bảo vệ - các khu trục hạm trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến lớp Aegis.

- Vùng phòng không tầm trung gồm chiến hạm và các máy bay trực thăng mang radar kiểm soát không phận tầm gần, máy bay tác chiến điện tử, chiến hạm phòng không, sử dụng tên lửa phòng không, các hệ thống khí tài tác chiến điện tử, được trang bị trên các chiến hạm tấn công và chiến hạm phòng không;

- Vùng phòng không tầm gần gồm tên lửa phòng không, pháo phòng không và hệ thống tác chiến điện tử của tất cả các chiến hạm trong cụm CSG..

Tuyến phòng thủ chống ngầm: Để tìm kiếm và tiêu diệt các tàu ngầm đối phương, cụm tàu sân bay CSG tổ chức hệ thống phòng thủ chống ngầm. Chiều sâu phòng ngự trên chiến trường của các cụm CSG đạt đến 600 km.

Cụm tàu sân bay CSG có có khả năng không giới hạn trong lĩnh vực tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm đối phương. Hệ thống phòng thủ chống ngầm của CSG được thực hiện bằng các máy bay tuần tra chống ngầm bay theo phương pháp xuất kích chống ngầm từ tàu sân bay về hướng có khả năng có tàu ngầm của đối phương hoạt động.

Ngoài khả năng chống ngầm bằng máy bay, hệ thống chống ngầm của cụm tàu sân bay CSG còn có sự tham gia của các tàu ngầm nguyên tử tấn công nằm trong biên chế của cụm CSG, và các chiến hạm nổi có năng lực chống ngầm được trang bị các đài sonar tiên tiến.

Lực lượng chống ngầm tầm gần là các chiến hạm bảo vệ tàu sân bay, trực thăng chống ngầm. Nhiệm vụ của lực lượng này là ngăn chặn khả năng tấn công bằng ngư lôi của tàu ngầm đối phương.

Nếu các tàu ngầm thực hiện nhiệm vụ chống ngầm được trang bị sonar thụ động, thì các chiến hạm nổi và các máy bay trực thăng chống ngầm được trang bị sonar chủ động, máy bay trực thăng chống ngầm được trang bị sonar thả, thiết bị tìm kiếm từ trường và các phao sonar radio. Như vậy, xung quanh tàu sân bay hình thành một hệ thống chống ngầm dày đặc, đủ khả năng ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công bằng ngư lôi của tàu ngầm nào.

Hơn thế nữa, các cụm tàu sân bay tấn công chủ lực còn sử dụng nguồn thông tin cung cấp từ hệ thống chống ngầm toàn cầu SOSUS của Mỹ và các nước đồng minh khu vực.

Đơn cử như trên Biển Đông, biển Hoa Đông, tàu ngầm Mỹ sẽ được cung cấp thông tin từ hệ thống SOSUS Mỹ - Nhật Bản, và hoạt động của các máy bay tuần biển chống ngầm P-3 Orion Nhật Bản và P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ.

Cuộc chiến chống cụm tàu sân bay tấn công chủ lực CSG

Các đô đốc Mỹ nhận định rằng, các cụm CSG trong điều kiện hiện này là không thể đánh chìm. Phần nào đó họ nhận định đúng, với một hệ thống phòng không hiện đại và dày đặc như vậy, khả năng tấn công đánh chìm tàu sân bay là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Để đánh chìm tàu sân bay, cần phải tiến hành nhiều đợt tấn công ồ ạt bằng tên lửa các loại với số lượng lớn. Trong thời kỳ Liên Xô, để có thể đánh chìm được tàu sân bay Mỹ, cần tiến hành loạt bắn khoảng 70 – 100 tên lửa chống tàu các loại. Tên lửa phải mang theo đầu đạn có khối lượng đến 500 kg và có tốc độ hành trình vượt quá 2,5 M. Những tên lửa đó là U-700 "Granite", P-1000 "Vulcan" và P-500 "Basalt".

Để có thể tấn công cụm tàu sân bay CSG, các phương tiện mang tên lửa phải tiến đến khoảng cách có thể phóng tên lửa hiệu quả. Đây là vấn đề thực sự gian nan. Các phương tiện trinh sát đường không và vũ trụ của Mỹ cho phép phát hiện mục tiêu trên khoảng cách vài trăm, thậm chí đến hàng nghìn km, trước khi các phương tiện mang đến được vị trí phóng đạn.

Giả thiết Trung Quốc có thể sử dụng tên lửa đạn đạo để tấn công cụm tàu sân bay, có các chiến hạm trang bị hệ thống lá chắn tên lửa trên biển Aegis trên khoảng cách lên đến 2500 km lại là vấn đề không đơn giản, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố không chắc chắn số lượng đầu đạn trong lần phóng đầu tiên, khả năng xác định tọa độ mục tiêu và tập trung phần tử bắn, khả năng phát hiện tên lửa và đánh chặn tên lửa của các hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền và trên biển của Hải quân Mỹ, khả năng cơ động của cụm tàu sân bay SCG.

Những yếu tố phức tạp đó khiến xác suất đánh trúng mục tiêu và số lượng đầu đạn trúng mục tiêu rất thấp. Ngoài ra, hệ thống trinh sát, tình báo và cảnh báo sớm của Mỹ có thể cho phép các lực lượng hải quân triển khai đòn phản kích nhanh chóng với quy mô lớn và độ chính xác cao ngay sau khi loạt đạn thứ nhất của đối phương vừa rời bệ phóng.

Lực lượng tấn công cụm tàu sân bay CSG không có cách nào chắc chắn hơn là tấn công trong hành tiến vào cụm tàu sân bay CSG cho đến điểm phóng đồng loạt các tên lửa chống tàu từ mọi hướng với số lượng lớn. Đây là nhiệm vụ bất khả thi do lực lượng tấn công lớn sẽ phải đối mặt với một cụm binh lực có thể có sức mạnh tương đương hoặc lớn hơn Liên đoàn tàu sân bay tấn công chủ lực CTF – 77 ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, trong mọi điều kiện tác chiến, lợi thế vẫn nghiêng về phía cụm tàu sân bay tấn công chủ lực CSG.

Cách duy nhất đến thời điểm này là sử dụng các đầu đạn hạt nhân và đó cũng là cách cuối cùng mà không quốc gia nào muốn sử dụng trong các cuộc xung đột, đặc biệt là với siêu cường hạt nhân như Mỹ và Nga.

Từ những phân tích trên có thể nhận thấy, việc triển khai hai cụm tàu sân bay tấn công chủ lực trên biển Hoa Đông, Biển Đông thể hiện rõ nét ý đồ và quyết tâm răn đe ngăn chặn của Mỹ trước khả năng xâm phạm quyền tự do hàng hải và lợi ích của Mỹ và đồng minh trên Biển Đông - biển Hoa Đông.

Từ phía Trung Quốc, việc đưa ra những cảnh báo về hệ thống A2/AD sử dụng tên lửa đạn đạo chống tàu tương tự như DF-21 chưa đủ khả năng để ngăn chặn hoặc đẩy lùi các cụm tàu sân bay tấn công của Mỹ.

Để làm được điều này, Bắc Kinh cần phải phát triển các tên lửa siêu thanh có tốc độ cao, vượt 2,5 M, quỹ đạo bay phức tạp, tầm bắn lên đến hàng nghìn km, có độ chính xác cao, với số lượng lớn, và đa dạng hóa các phương tiện mang, phóng. Sự phát triển này hoàn toàn có thể, nhưng đó là vấn đề thời gian.

Theo Viettimes