Chiều 30 Tết tại Hội An
Ngày 30 tháng Chạp âm lịch có lẽ là ngày bận rộn nhất và không khí Tết đến cũng bắt đầu từ mọi gia đình. Các bàn thờ gia tiên đều nghi ngút khói hương. Xuất phát từ niềm tin rằng những người đã khuất bóng sẽ trở về ăn Tết cùng con cháu nên ngày 30 các gia đình thường tổ chức lễ cúng rước ông bà.
Trên bàn thờ gia tiên lúc nào cũng có ly nước trong, thường hay dùng bằng nước mưa để ông bà "súc miệng" và nhiều thếp giấy vàng, bạc để cho ông bà "tiêu Tết", vài ba bộ đồ giấy như: khăn xếp, áo dài đen, quần trắng rộng, một đôi guốc mức và một cái dù đen "để mặc 3 ngày Tết".
Cúng Giao thừa
Khi đến thăm viếng bất cứ nhà nào, công việc đầu tiên của khách là tiến ngay đến bàn thờ thắp nén hương để vái chào tổ tiên gia chủ trước khi đàm đạo với người trong nhà gia đình. Còn đối với con cháu đi làm ăn xa hoặc có gia đình ra ở riêng thì ngày 30 Tết phải về cha mẹ hay nhà từ đường để dự lễ cúng rước ông bà. Nếu vắng mặt sẽ mang tội bất hiếu. Chính vì thế, mà lễ cúng rước ông bà là dịp để các thành viên trong đại gia đình họp mặt đông đủ bên mâm cỗ cuối năm. Một điều mà người Hội An không bao giờ quên là những nợ nần của năm cũ cũng phải thanh toán dứt điểm trước giờ giao thừa, tức là "Phải đòi nợ đêm ba mưoi" để nhẹ tâm hồn khi đón mùa xuân mới.
Trước và sau giờ giao thừa vài phút, nhà nhà đều tiến hành lễ "cúng giao thừa" hay "cúng đầu năm". Lễ cúng này rất đơn sơ, chỉ có hoa quả, bánh mứt, không dùng rượu và thịt cá. Riêng mâm ngũ quả thì phải đủ năm thứ trái cây như: mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài tượng trưng cho 4 chữ: Cầu vừa đủ xài và thường diễn ra ở ngoài sân, ở trước hiên nhà, nơi có thể nhìn thấy cả trời đất. Lễ cúng giao thừa cầu mong cho năm mới được an khang thịnh vượng. Cúng xong người ta thường vãi gạo, muối ra khắp bốn phương, tám hướng, ngụ ý tặng lương thực, thực phẩm cho những vong hồn không nơi nương tựa.
Đèn lồng và nến lung linh khắp phố, khói hương trầm lan tỏa thơm ngát đất trời, hướng mọi tâm hồn về nơi chí thiện. Sau lễ cúng giao thừa, các cụ ông, cụ bà thường đi đến chùa hái lộc, xin xăm, lễ phật. Các cụ ông mặc áo dài the, đội khăn xếp trong khi các cụ bà trong bộ áo dài thận trọng từ bước đi, từng lời nói, là những người đại diện cho các gia đình nguyện cầu cho đất trời thanh bình, nhà nhà no ấm.
Đi lễ chùa
Mồng một Tết là ngày tảo mộ. Mọi người đều diện bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất trong năm đổ ra đường đi thăm nơi an nghỉ của ông bà, cha mẹ. Giờ phút thiêng liêng đầu năm bao giờ cũng được dành cho những người đã sinh thành ra mình với lòng biết ơn vô tận. Tại các nghĩa trang, người chen chúc, khói hương tỏa mù mịt, các nấm mồ được dọn dẹp sạch sẽ và thơm mùi đất mới. Đây là dịp để các cao niên chỉ bảo, dặn dò cho con cháu nơi an nghỉ của tổ tiên, những điều phải trái của đạo làm người và không bao giờ lãng quên nguồn cội.
Mồng hai và ba Tết là ngày của họ hàng bạn bè thân thuộc. Đây là dịp để bà con gặp lại nhau hàn huyên tâm sự sau một năm tất bật làm ăn và chúc cho nhau những lời tốt đẹp. Trong những ngày này người Hội An thường giải trí bằng cách đổ xăm hường bói thử vận mệnh, làm ăn đầu năm.
Con cháu đến chúc Tết ông bà
Người Hội An chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc qua mấy thế kỷ làm ăn, buôn bán với người Hoa và người Nhật cho nên có nhiều món ăn không hẳn là thuần túy của người Việt, tiêu biểu là món Cao Lầu, mì hoành thánh, bánh tổ... Vào ngày Tết, người Hội An phải có các loại bánh: "bánh tét, bánh nổ, bánh in", trong đó bánh tổ được xếp hàng đầu. Ngày Tết ở đây còn có món chè đậu đen đặc quánh, xôi đậu đen ngọt lịm, bánh bột đậu xanh thơm ngon, bánh phu thê hấp dẫn...
Món ăn mặn được ưa thích nhất là bánh tráng cuốn với thịt heo ăn kèm rau ghém. Món ăn này dùng với nước mắm Nam Ô thì không chỗ nào chê được. Ngoài ra, người Hội An còn thích món giò hầm với đậu đen, thịt kho tàu, mạc nạm (một loại bò khô địa phương)... Người Hội An ăn Tết thường kết thúc vào khoảng mồng bốn hoặc mồng năm khi mọi nhà đã tiến hành các lễ cúng tiễn "đưa ông bà" về trời.
Hoàng Hữu Quyết