Cụ thể, theo báo cáo của Sở Du Lịch, từ ngày 19/01 đến ngày 29/01/2023 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến ngày mồng 08 tháng Giêng năm Quý Mão), ước có khoảng trên 95.000 lượt khách đến tham quan các điểm di tích và các điểm du lịch, văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh (tăng 52% so với năm 2022). Doanh thu từ du lịch ước đạt 150 tỷ đồng.
Riêng các diểm di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đố Huế quản lý, trong 06 ngày từ ngày 30 tháng Chạp Nhâm Dần đến mồng 5 Tết Quý Mão (từ ngày 20- 26/01/2023) đã đón trên 66.000 lượt người (miễn vé du khách nội địa 03 ngày từ ngày 1- 3 tết), trong đó có gần 12.848 lượt khách quốc tế. Riêng ngày 26/01 (mồng 5 tết) cao điểm nhất đã đón 13.549 lượt khách, trong đó có 1.732 lượt khách quốc tế, doanh thu riêng ngày 26/01 đạt hơn 1.987.865.000 đồng.⁹
Tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú từ ngày 19/01 đến ngày 29/01/2023 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến ngày mồng 08 tháng Giêng năm Quý Mão) ước đạt là 50.800 lượt khách (tăng 150% so với năm 2022), trong đó khách quốc tế ước 21.600 lượt (tăng 3.500% so với năm 2022) và khách nội địa ước 29.200 lượt; công suất phòng ước đạt 52%; doanh thu lưu trú ước đạt khoảng 106 tỷ đồng.
Được biết, nhằm tạo không khí vui tươi đón Tết và thu hút du khách tham gia vào các hoạt động truyền thống của địa phương, nhiều hoạt động mừng xuân Quý Mão được các địa phương tổ chức như: Hội hoa Xuân; chương trình Tết Việt; Chương trình nghệ thuật đón giao thừa và các hoạt động văn hóa, giải trí vui Xuân tại các địa điểm trên địa bàn thành phố Huế.
Các điểm tham quan di tích thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được mở cửa miễn vé đón nhân dân địa phương và du khách người Việt Nam tham quan di tích trong 03 ngày từ ngày 22 đến hết ngày 24 tháng 01 năm 2023 (mồng 01 - 03 Tết Nguyên đán); tổ chức một số hoạt động tái hiện nghi thức cung đình và các chương trình vui Tết phục vụ du khách (Lễ đổi gác, Lễ Dựng Nêu và Hạ Nêu, biểu diễn Đại nhạc, Tiểu nhạc, Ca Huế, các trò chơi cung đình, biểu diễn lân sư rồng, võ thuật...) tại khu vực trước Ngọ Môn và bên trong Đại Nội.
Nhiều địa phương đã tổ chức các lễ hội truyền thống như Hội Đu tiên (ngày mùng 4 Tết), Hội Vật làng Thủ Lệ (mùng 6 Tết) ở huyện Quảng Điền; Lễ hội đu tiên Gia Viên (ngày mồng 4 Tết), giải đua ghe xã Phong Bình (mồng 6 Tết); Chợ quê ngày Tết, Chương trình hát Bài chòi ở huyện Phú Lộc.
Lễ hội ở nhiều địa phương còn kéo dài đến ngày rằm tháng giêng như: Lễ hội Đền Huyền Trân Xuân Quý Mão năm 2023 với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân” được tổ chức trong 02 ngày mùng 8 và mùng 9 Tết; Hội vật truyền thống làng Sình và Lễ hội cầu ngư Thuận An (mùng 10 tháng Giêng) ở thành phố Huế; giải đua trãi trên sông Vực ở thị xã Hương Thủy (mùng 9 Tết); giải đua ghe xã Phong Hòa (mồng 8 Tết) ở huyện Phong Điền,..
Bên cạnh đó, trong dịp Tết Nguyên đán, các khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các đơn vị lữ hành đã tổ chức nhiều chương trình đón khách theo phong cách truyền thống, giới thiệu và mời khách trải nghiệm một số món ẩm thực Huế dịp Tết truyền thống; Thanh tra du lịch và Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, rà soát địa bàn, trực đường dây hỗ trợ du khách 24/24 nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chất lượng, giá cả và các hành vi vi phạm pháp luật.
Trần Minh Tích