Thác Cát Cát thuộc thôn Cát Cát, xã Hoàng Liên (trước đây là xã San Sả Hồ), thị xã Sa Pa. Danh thắng thác Cát Cát là một dòng thác nhỏ với độ cao khoảng 30m đổ xuống khu vực hợp lưu 3 dòng suối quan trọng của Sa Pa là suối Vàng (suối Thủy Tiên, suối Chim Én) từ dãy Hoàng Liên Sơn đổ xuống, suối Mường Hoa (suối Ba Ba) chảy xuôi xuống thôn từ đầu nguồn Thác Bạc và suối Phềnh Hù từ trên thị trấn đổ xuống.  

Bình thường khi ít nước, dòng chảy nhỏ Thác Cát Cát nhẹ nhàng, chầm chậm men theo vách đá; khi trời có mưa liên tục với thời gian kéo dài khoảng 2 - 3 ngày hoặc khi mưa lớn trong khoảng 1 ngày thì lưu lượng nước đổ về suối Phềnh Hù đột ngột tăng mạnh, khi đó Thác Cát Cát trở mình mạnh mẽ, dòng thác trút xuống trung tâm bản Cát Cát ào ào tung bọt trắng xóa một góc trời.

Thác Cát Cát (Sa Pa) được xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh
Thác Cát Cát (Sa Pa) được xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. (Ảnh: Dulichvn.org.vn)

Tên gọi Cát Cát (đọc chệch từ tiếng Pháp cascade) được người Pháp đặt tên cho một dòng thác nhỏ ở trung tâm bản Cát Cát khi mới bắt đầu đến nơi đây. Ngoài ra, người dân sống trong thôn còn cho biết tên gọi của thác theo tiếng Mông là Ca Ca, tức cuối chợ, sau chợ. 

Đầu thế kỷ XX, khu vực Cát Cát được người Pháp phát hiện và chọn là nơi xây dựng nhà máy thuỷ điện đầu tiên ở Việt Nam nhằm cung cấp điện cho Sa Pa; đồng thời khai thác như một trong những điểm nghỉ dưỡng trọng điểm. Trải qua quá trình thăm trầm của lịch sử, biến đổi của khí hậu nhưng đến nay Thác Cát Cát vẫn là địa điểm đẹp, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Hằng năm, có hàng vạn lượt khách du lịch đến với Thác Cát Cát và khu du lịch Cát Cát để tham quan, ngắm cảnh.

Theo Quyết định của UBND tỉnh Lào Cai, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND thị xã Sa Pa xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, tu bổ và sử dụng di tích danh lam thắng cảnh Thác Cát Cát theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Nguyễn Mạnh