Nơi mở màn cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Hội nghị toàn quốc của Đảng, họp tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), từ ngày 13 - 15/8/1945, gồm đại biểu các đảng bộ và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài. Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.
Đại hội nhất trí tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa, bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời), đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua một số chính sách quan trọng của Mặt trận Việt Minh. Tại Hội nghị, nhận định: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi… “.
Ngày 20/8/1945, quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy đã hành quân từ Chùa Đán tiến vào thị xã Thái Nguyên và tổ chức mít tinh công bố chính quyền cách mạng của dân, do dân và vì dân.
Ngày 16/8/1945, một đơn vị Giải phóng quân dưới cây đa Tân Trào làm lễ xuất phát, hướng về Thái Nguyên, mở màn cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Trong những ngày này, các châu, huyện trong tỉnh cũng được lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa đưa lực lượng của địa phương phối hợp với Quân giải phóng đánh chiếm thị xã Thái Nguyên. Bộ chỉ huy những trận đánh tại Thái Nguyên, gồm 2 đồng chí là Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh. Giúp việc, có các đồng chí Phan Mỹ, Nguyên Chính, Châu Ký và Hùng Việt.
Trong buổi sáng 20/8/1945, sau khi giải quyết xong trại bảo an, Quân giải phóng tập trung lực lượng tiến công quân Nhật trong trại lính khố xanh. Đúng 7 giờ 30 phút, các cỡ súng của Quân giải phóng nhất loạt nổ vào cứ điểm của địch. Nhiều tên địch trong trại phải đền tội. Sau đó, ta ngừng bắn để tiến hành thương lượng, yêu cầu quân Nhật hạ vũ khí đầu hàng. Chiều cùng ngày, ta tổ chức một cuộc mít tinh quần chúng tại sân vận động thị xã; đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập Chính quyền Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.
Cách mạng tháng Tám ở Thái Nguyên là một bộ phận của cuộc Tổng khởi nghĩa - do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Nó không những là kết quả trực tiếp của cuộc vận động giải phóng dân tộc thời kỳ 1939 - 1945, mà còn là kết quả của quá trình vận động cách mạng từ năm 1932 - 1933. Những cuộc đấu tranh tại Thái Nguyên, thực sự là những cuộc diễn tập của Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945.
Từ đó, để có ngày 2/9/1945, trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ đây, ra đời Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Một góc TP. Thái Nguyên
Thời gian đã lùi xa, nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của cuộc cách mạng tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và Thái Nguyên - Thủ đô gió ngàn nói riêng.
Phát huy truyền thống, hướng tới tương lai
Phát huy tinh thần và những giá trị của cách mạng tháng Tám trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên luôn quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng.
Theo đó, thực hiện nhiệm vụ phát triển, ổn định kinh tế - xã hội được đặt lên hàng đầu, tranh thủ thời cơ thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc phát huy truyền thống, vị trí địa lý thuận lợi, cùng hệ thống giao thông đồng bộ, sự năng động của lãnh đạo chính quyền địa phương và sự đồng thuận, nỗ lực của cộng đồng, kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và ổn định.
Thái Nguyên có vai trò gắn kết vùng trung du miền núi phía bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, Thái Nguyên đang là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư. Tỉnh Thái Nguyên được Trung ương xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo và y tế của vùng trung du miền núi phía bắc. Thái Nguyên được Chính phủ đưa vào quy hoạch trong vùng Thủ đô Hà Nội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành Trung ương cùng với sự đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thái Nguyên đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị qua từng năm. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, một số lĩnh vực có sự phát triển bứt phá; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ.
Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Các chính sách xã hội được quan tâm đúng mức. Diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được nâng cao.
Đ/c Vũ Hồng Bắc Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiểm tra quy hoạch dự án Xây dựng khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại xã Điềm Thụy (huyện Phú Bình)
Bằng những chủ trương và hành động thực tế trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tốc độ tăng trưởng của tỉnh luôn đạt cao và ổn định: Bình quân 3 năm (2016 - 2018), đạt 13,15%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ; thu nhập bình quân theo đầu người đạt 77,7 triệu đồng, cao hơn 19,2 triệu đồng so mức trung bình cả nước.
Năm 2018, lần đầu tiên, tỉnh Thái Nguyên có số thu ngân sách đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so 2015. Thái Nguyên hướng tới là một trong những tỉnh tự cân đối thu - chi, có phần đóng góp cho ngân sách trung ương vào năm 2020…
Đặc biệt, trong những năm qua, Thái Nguyên nổi lên như một hiện tượng trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Tỉnh đã đón làn sóng đầu tư với các nhà đầu tư lớn, có uy tín như Tập đoàn Samsung, Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Đầu tư DANKO, Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Tập đoàn TMS…
Được sự quan tâm sâu sát, quyết liệt của các cấp lãnh đạo, Thái Nguyên đã và đang đưa ra nhiều nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho các NĐT thông qua các giải pháp về luật pháp, chính sách, quy hoạch, cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, GPMB... Trong thời gian tới, tỉnh tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, CCN để đẩy mạnh thu hút các NĐT trong và ngoài nước.
Hoàng Thiệp