THCL - Than phiền mối đe dọa từ phía Iran với Nga, Israel đang muốn muốn ngăn chặn sự hợp tác chiến lược giữa Tehran Moskva để tự bảo vệ mình.
Thủ tướng Israel than phiền về Iran
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa thông tin với báo chí trong nước về chuyến thăm đến Nga vừa qua.
Tờ Sputnik dẫn lời ông Netanyahu bày tỏ lo ngại về “Mối đe dọa từ phía Iran” dành cho nước này đồng thời bày tỏ nhiều kỳ vọng ở chính quyền Tổng thống Putin.
Thủ tướng Israel cho biết, ông đã thảo luận việc Tehran có ý định thành lập căn cứ hải quân ở Syria với Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm gần đây tới Nga. Ông Netanyahu khẳng định, mục đích quan trọng nhất trong chuyến thăm Moskva là thảo luận về những nỗ lực của Iran nhằm đảm bảo sự hiện diện thường xuyên ở Syria.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ lo ngại về Iran với Nga
“Tôi đã nói rõ với Tổng thống Putin rằng, chúng tôi kiên quyết chống lại việc Iran và các tay sai của họ đang tăng cường vị trí của mình ở Syria. Chúng tôi thấy rằng, Iran đang tìm cách gia tăng sức mạnh quân sự và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở Syria, bao gồm cả một cảng biển ở nước nyy. Tất cả điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh của Israel”, tờ Sputnik dẫn lời ông Netanyahu nhấn mạnh.
Thủ tướng Israel cho rằng sự hiện diện của Iran tại Syria là trái với "lợi ích dài hạn của tất cả các bên, ngoại trừ Iran”.
Thực tế, cuộc xung đột giữa Iran và Israel ngày càng trở nên trầm trọng, căng thẳng. Kể từ thời điểm thành lập Cộng hòa Israel, các giáo chủ Iran đã định vị nước này gần như là kẻ thù chính của thế giới Hồi giáo.
Trong cuộc gặp Tổng thống Putin hôm 10/3 tại thủ đô Moskva, ông Netanyahu cũng cho biết giới giáo sĩ Iran đã coi việc định vị đó như một cột trụ chính của tính chất hợp pháp nội bộ.
Israel trung thành với chính sách phòng ngừa trong an ninh, song Iran lại sẵn sàng vượt qua cả hai ranh giới đỏ - chế tạo vũ khí hạt nhân và tăng cường vị thế tại Syria. Mục đích của các động thái trên được cho là để tiếp tục chiến tranh chống lại Israel bằng quân đội Syria và lực lượng dân quân do Iran kiểm soát.
“Trong khuôn khổ giải quyết khủng hoảng Syria, Iran đang muốn củng cố vị thế thường trực tại Syria hoặc nhờ lực lượng Lục quân hoặc Hải quân. Chúng tôi cho ràng cần phải làm cho Iran yếu đi tại Syria, cách tốt nhất là bằng biện pháp chính trị. Nếu biện pháp chính trị không thành thì dùng biện pháp quân sự”, ông Netanyahu nhấn mạnh.
Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman khẳng định, về lý thuyết, thỏa thuận với Hoa Kỳ về một phương án quân sự sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phương án kiềm giữ chính trị Iran sẽ an toàn, đỡ tốn kém hơn là chiến tranh với nước này và nó không quá khó để thực hiện.
Toan tính của Israel
Việc đột nhiên tiết lộ nội dung trao đổi trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin, người đứng đầu chính phủ Israel đang thể hiện nhiều tham vọng và mục đích chiến lược.
Giới phân tích cho rằng, đây là cách tốt nhất để Thủ tướng Netanyahu ngăn chặn sự hợp tác chiến lược giữa Iran và Nga cũng như chứng minh thiện chí của mình với điện Kremlin trong cuộc chiến chống IS tại Syria.
Thực tế trong bối cảnh lực lượng vũ trang Iran và Hezbollah đang hiện diện ở Syria và đang áp sát biên giới nước này, Israel không có bất cứ sự lựa chọn nào khác, Tel Avip sẽ xem xét một cuộc tấn công trực tiếp vào các lực lượng này.
Xét từ quá khứ, thủ tướng Israel gần như chắc chắn sẽ chờ đợi sự “bật đèn xanh” từ Washington trước khi thực hiện một kế hoạch mạo hiểm như vậy - trừ khi ông Netanyahu quyết định rằng, IDF đã đủ sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng để có thể tự quyết các vấn đề Trung Đông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Moskva đang là người chống lưng đắc lực đối với chính quyền Damascus là là “đối thủ lớn” trong ván cờ Syria và Trung Đông, muốn thực hiện những hành động như thế này trong lãnh thổ Syria, Isarel buộc phải xem xét đến thái độ của ông lớn Nga.
Trong một diễn biến có liên quan, thời gian vừa qua Moskva và Tehran đang thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác trong cả quân sự lẫn vũ khí, quốc phòng.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn ISNA (Iran) hôm 25/2, ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran cho biết, Nga và Iran đã nhất trí về lộ trình nhằm hợp tác sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
Nga và Iran đang có nhiều hợp tác nổi bật khiến Israel phải lo ngại.
Ông Salehi khẳng định, Iran cần sự hỗ trợ của Nga trong lĩnh vực này, đồng thời cho biết hai bên đã từng bước phác thảo lộ trình cụ thể cho tiến trình hợp tác. Dự kiến tiến trình này sẽ mất 2 năm để hoàn tất trước khi hai bên chính thức bước vào giai đoạn sản xuất.
Đặc biệt thời gian gần đây Iran và Nga đang tích cực đẩy mạnh hợp tác trong cuộc chiến chống IS tại Syria.
Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định, nước này sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif gọi nỗ lực chung của Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vì hòa bình ở Syria là một kinh nghiệm hữu ích, đồng thời hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác 3 bên này sẽ giúp mang tới hòa bình.
Việc Moskva và Tehran đang có những thỏa thuận hợp tác vào lúc này chắc chắn sẽ gây ra những bất lợi mới cho Israel. Đương nhiên chính quyền của Thủ tướng Netanyahu không mong muốn điều này xảy ra. Do đó vào thời điểm này khi các nguy cơ đang bủa vây, chính quyền
Tuấn Hùng - Baodatviet