Tháng ba đã lại về. Người dân đất Việt đang hướng lòng mình về vùng đất cội nguồn của dân tộc, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Dù đi ngược về xuôi, dù buôn bán trăm nơi, dù nam hay bắc, ai ai cũng nhớ về ngày giỗ đặc biệt này.
Hiếm có dân tộc nào trên trái đất lại có một ngày giỗ Tổ chung như dân tộc Việt Nam ta. Tháng ba giỗ Tổ Hùng Vương, tháng ba lễ hội Đền Hùng - một lễ hội lớn nhất, thiêng liêng nhất cả nước. Về Phú Thọ những ngày này là về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, về nơi có hai di sản văn hóa phi vật thể thế giới, đó là hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Mùa xuân là mùa lễ hội. Khắp làng trên xóm dưới, khắp nơi gần nơi xa đều tưng bừng trống giục, phấp phới cờ bay, rộn ràng người trẩy hội. Để rồi tháng ba, tất cả đều hướng về cội nguồn, hành hương về đất Tổ, dâng lòng thành kính của mình tri ân công đức các Vua Hùng. Có thể nói, lễ hội Đền Hùng là kết thúc mùa lễ hội của mùa xuân năm mới.
Thực ra, người ta đã đi lễ đền Hùng ngay từ đêm giao thừa, từ sớm mùng Một Tết để cầu cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt... Và trong ba tháng mùa xuân, ngày nào cũng có người thăm viếng Đền Hùng. Chẳng kể tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới thì từ trước đó, từ rất lâu rồi người ta đã làm như thế. Điều này đã ăn sâu vào tâm trí, vào cốt cách, trở thành nếp sinh hoạt bình thường vừa truyền thống vừa hiện đại rất đỗi thiêng liêng của mọi người.
Khu di tích Lịch sử Đền Hùng - nơi thờ tự các Vua Hùng của dân tộc ngày càng hiện đại, khang trang, càng tôn nghiêm cổ kính. Về đây, ta có điều kiện thắp hương Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, vái vọng Đức Quốc Mẫu Âu Cơ, cúi đầu trước lăng Mộ Tổ, thắp nén tâm nhang kính cẩn dâng lên các Vua Hùng. Trên đỉnh cao núi Nghĩa Lĩnh ta thả tầm mắt ngắm nhìn giang sơn đổi mới, lòng rộn vui trước dòng người đang chen nhau về trẩy hội để hiểu thêm nghĩa đồng bào, đồng chí, thấy hiển hiện là kia sự gắn kết cộng đồng dân tộc, để tự hào thêm truyền thống bất khuất kiên cường chiến thắng thiên tai giặc giã của dân tộc Việt Nam ta.
Về Đền Hùng còn là dịp để ta tìm hiểu và vui cùng những lễ hội dân gian đặc sắc nơi đây. Nào rước voi Đào Xá, nào tứ dân chi nghiệp, nào đâm đuống, ném còn, nào thổi lửa nấu cơm thi, rồi cờ tướng cờ người, rồi đi cà kheo, bắt chim gâu, chọi gà, vật dân tộc, bắn nỏ, rồi rước kiệu của các xã vùng ven... lại cả lễ hội “linh tinh tình phộc” rất phồn thực và độc đáo nữa. Bên cạnh những trò chơi dân gian thì những môn thể thao hiện đại cũng tưng bừng đấu trí đua tài... Đặc biệt nhất phải kể đến liên hoan hát xoan.
Suốt những ngày hội, đâu đâu cũng rộn ràng lời ca xoan ghẹo. Cùng với bốn làng xoan cổ, tất cả các làng huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ đều say sưa hát xoan. Tiếng xoan vang lên từ trong các trường học mỗi sớm, từ các đình làng, nhà văn hóa thôn mỗi tối. Trẻ già, trai gái đều hát. Chẳng cần nhạc cụ cao siêu nhiều nhặn gì, không cần trang âm điện tử, chỉ có vài cái trống con gõ tum tum giữ nhịp, thế là hát. Hát múa say sưa. Hát để đi dự hội. Hát để tham gia hội diễn liên hoan.
Xuân Thu - Hoan Nguyễn