Đại tá Trần Xuân Hương, Trưởng phòng PA88 (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa Trời” đã xuất hiện tại địa phương từ năm 2015, sau đó phát triển ra nhiều địa phương khác.
Qua công tác điều tra, nắm tình hình cho thấy hội này đã xuất hiện ở 15 huyện, thị, thành phố trên địa bàn. Tuy nhiên, mức độ hoạt động có khác nhau. Hiện tại, đông nhất là TP. Thanh Hóa, có 1 điểm nhóm gồm 21 người tham gia, còn lại ở những điểm nhóm khác có từ 8 - 10 người, thậm chí là 1 - 2 người.
Lực lượng chức năng kiểm tra tụ điểm của "Hội thánh Đức Chúa Trời" tại TP. Thanh Hóa
Cũng theo Đại tá Hương, lúc đầu có 14 - 15 điểm nhóm hoạt động, nhưng hiện còn có 3 điểm hoạt động mạnh là ở TP. Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc và Triệu Sơn. Qua đấu tranh, những người này chủ yếu ở các tỉnh Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên… vào địa phương tuyên truyền về “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ". Về mặt giáo lý thì “Hội thánh Đức Chúa Trời” có lệch chuẩn so với các giáo lý khác như không công nhận Chúa ba ngôi, ngày Lễ Noel và ngày Lễ Phục sinh, Lễ Chủ nhật, mà chủ yếu tập trung tổ chức lễ vào ngày thứ 3 và thứ 6.
Theo báo cáo của Phòng PA88 (Công an tỉnh Thanh Hóa), tụ điểm tại phường Đông Vệ (TP. Thanh Hóa) là tụ điểm hoạt động chính thức vào cuối năm 2016, đầu năm 2017. Tụ điểm này rất phức tạp, do Mai Văn Hùng (SN 1984, trú xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia) cầm đầu.
5 đối tượng hoạt động tại phường Đông Vệ (TP. Thanh Hóa) được triệu tập đến Công an tỉnh để lấy lời khai
Đây cũng là tụ điểm mà Công an tỉnh và Công an TP. Thanh hóa đã đấu tranh rất nhiều lần, mỗi lần đấu tranh thì những người này lại cam kết từ bỏ nhưng sau đó vẫn tái diễn. Tuy nhiên, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, họ đã xé lẻ ra, sinh hoạt ở các quán cà phê.
Trong số 5 người được mời về công an làm việc, có Nguyễn Văn Tĩnh (SN 1990, trú huyện Ba Vì, Hà Nội) đã nhiều lần hoạt động tuyên truyền ở những địa điểm khác nhau và đã bị lập biên bản yêu cầu chấm dứt hoạt động tôn giáo trái phép, tuy nhiên đối tượng này vẫn tiếp tục đổi địa điểm để hoạt động.
Trước đó, đối tượng Nguyễn Văn Tĩnh đã từng bị phát hiện khi đang cùng với Phạm Mai Phương (SN 1991, trú tại quận Kiến An, TP. Hải Phòng) thuê phòng trọ tại xã Đông Tân (TP. Thanh Hóa) để tổ chức hoạt động tôn giáo trái pháp luật.
Thời điểm kiểm tra ngày 3/2, tại phòng trọ này đang có 23 người, công an đã lập biên bản trục xuất 2 người này khỏi địa phương. Nhưng đến ngày 20/3, Công an huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) phát hiện 7 người đang tổ chức sinh hoạt tôn giáo “Hội thánh Đức Chúa Trời” tại thị trấn Ngọc Lặc, trong đó lại có Nguyễn Văn Tĩnh.
Tại đây, công an đã thu giữ 19 cuốn tài liệu (6 cuốn kinh thánh, 6 cuốn bài ca mới và 7 cuốn không rõ nguồn gốc.
Trưởng phòng PA88 còn cho biết, “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” sinh hoạt không cần thiết phải thuê nhà, có thể sinh hoạt ở quán cà phê, các địa điểm công cộng nhằm lôi kéo quần chúng tham gia, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Các đối tượng thường dùng hình thức bán hàng trá hình để tiếp cận, lôi kéo, tuyên truyền, nhằm vào sinh viên ĐH Hồng Đức, sinh viên trường Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Bên cạnh đó là những người phụ nữ trẻ có hoàn cảnh khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.
Tụ điểm của "Hội thánh Đức Chúa Trời" hoạt động gần khu vực các trường đại học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Hiện lãnh đạo công an tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo các địa phương nắm địa bàn để sớm phát hiện đấu tranh, ngăn chặn từ xa, vô hiệu hóa các điểm nhóm này để chấm dứt hoạt động tuyên truyền đạo trái phép.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Bùi Hải Vinh, Phó giám đốc - Trưởng ban Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Thời gian gần đây, một số người ở tỉnh ngoài và trong tỉnh đã trá hình các ngành nghề khác để truyền bá “Hội thánh Đức Chúa Trời” ở một số nơi, khiến cho tình hình an ninh trật tự cũng như hoạt động tôn giáo bị xáo trộn trong nhân dân.
Đây là một tổ chức chưa được nhà nước công nhận. Trước tình hình trên, Ban Tôn giáo Thanh Hóa đã có văn bản gửi tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn để tuyên truyền, giúp người dân nhận thức được đâu là tà đạo, đâu là chính đạo. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị chính quyền địa phương kiểm soát tốt công tác hộ khẩu, hộ tịch để nắm bắt những người lạ đến, tránh tình trạng người xấu trà trộn vào địa phương truyền đạo trái pháp luật”.
Thuấn Nguyễn