Theo đó, bệnh viêm da nổi cục ở đàn trâu bò đã lây lan ra 24 huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, làm gần 4.000 con trâu, bò mắc bệnh. Trước tình hình đó, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh, tiêu độc khử trùng... Đặc biệt, tốc độ tiêm phòng vắc - xin viêm da nổi cục được triển khai nhanh, đã đạt trên 94% diện tiêm.
Theo đánh giá của Chi cục Thú y vùng 3, Thanh Hóa là một trong những tỉnh tiêm phòng vắc - xin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò đạt tỷ lệ cao nhất cả nước. Đây là một trong những biện pháp kiềm chế có hiệu quả dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò.
Vì vậy, đến thời điểm này, số trâu bò bị mắc bệnh trên địa bàn Thanh Hóa so với lúc cao điểm đã giảm từ 140 đến 150 con mỗi ngày; số trâu bò chết chỉ chiếm 7% số trâu bò mắc bệnh.
Để có được kết quả này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Cùng với sự hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc mua bán, vận chuyển gia súc ra, vào địa bàn, đảm bảo việc buôn bán gia súc ra vào địa bàn phải có giấy kiểm dịch vận chuyển hợp lệ.
Các địa phương cũng chỉ đạo việc rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò, dê, trong đó ghi rõ thông tin tình trạng gia súc khỏe mạnh, gia súc có biểu hiện bị bệnh, thời gian xuất hiện các triệu chứng của bệnh, tình trạng xuất bán, giết mổ, vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn.
Hiện, các cơ quan chức năng đang khuyến cáo các địa phương và người chăn nuôi không chủ quan, lơ là, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh, công tác tiêu độc khử trùng, nuôi nhốt trâu bò nhằm tránh các nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh.
Hoài Thu