Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và đi vào khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An vào chiều 2/8/2020. Cơn áp thấp nhiệt đới này có cấu trúc phức tạp, vùng tâm xoáy rộng và phân tán. Đặc biệt, thời gian dự kiến đổ bộ vào đất liền sẽ trùng với đỉnh của triều cường, nên việc ứng phó sẽ gặp khó khăn hơn. Ngoài ra, hoàn lưu gây mưa được dự báo trên phổ rộng 21 tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định, trong đó Thanh Hoá là là tỉnh trực tiếp bị ảnh hưởng và được dự báo lượng mưa cả đợt từ 200 đến 400mm.

Để chuẩn bị triển khai ứng phó với thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền cho biết, Thanh Hoá đã kiện toàn lại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đồng thời chuẩn bị cho công tác phòng chống ứng phó với thiên tai năm 2020. Tỉnh cũng đã có phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ chứa, huy động phương tiện, trang thiết bị và sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm khi có yêu cầu.

Đồng thời, Thanh Hoá đã ban hành công điện, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, đồng thời rà soát phương án di dân mép nước ở khu vực ven biển và sơ tán dân khu vực miền núi khi có mưa to và nguy cơ sạt lở đất. Ngay sau cuộc họp này, các thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ trực tiếp xuống cơ sở, bám nắm tình hình, đồng thời chỉ đạo các địa phương phải nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, truyên truyền nhắc nhở và vận động đông nhân dân chủ động phòng tránh bão, lũ, không để xảy ra tình trạng bị động như ở bản Sa Ná, huyện Quan Sơn năm 2019.

Ông Nguyễn Đức Quyền khẳng định, khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão sẽ đổ bộ vào khu vực Thanh Hoá là rất cao và mưa lớn là điều khó tránh khỏi. Do đó, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cựu nạn tỉnh, kiểm tra việc triển khai thực hiện ở các ở các huyện trên cả 3 vùng ven biển, đồng bằng và vùng núi, nắm chắc tình hình tàu thuyền trên biển và kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú đảm bảo an toàn. Rà soát lại phương án di dân, đặc biệt quan tâm đến trẻ em và người cao tuổi; rà soát lại các công trình, các đê xung yếu, vật tư công tác phòng chóng bão lũ; khơi thông các kênh tiêu, trạm bơm tiêu úng, chặt tỉa cây cối và lên phương án an toàn cho các các tuyến đê.

Mặt khác, tại khu vực miền núi cần kiểm tra lại các vùng có nguy cơ sạt lở đất, có phương án di dân đến nơi an toàn, các ngành, các địa phương phải thực hiện công tác phòng, chống áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão với tinh thần chủ động theo dõi chặt chẽ, ứng phó kịp thời, có hiệu quả trong mọi tình huống, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản.

Hoài Thu