Carnival đường phố rực rỡ trong mùa Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn 2020
Phát triển du lịch và bảo vệ môi trường nhằm hướng tới một sự hòa hợp lâu dài và vì sự phát triển bền vững của du lịch. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã chỉ ra rằng, du lịch bền vững cần chú trọng 3 trụ cột. Cụ thể, về môi trường với việc sử dụng tốt nhất các tài nguyên du lịch, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu, di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học tự nhiên.
Về xã hội và văn hóa là tôn trọng tính trung thực về xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống. Về kinh tế là cung cấp các lợi ích kinh tế - xã hội tới tất cả những người hưởng lợi và được phân bổ một cách công bằng. Như vậy, về bản chất, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách có ý thức và khoa học. Từ đó, bảo đảm cho các nguồn tài nguyên này sinh sôi và phát triển, để thế hệ tương lai có thể được tiếp nối và tận dụng.
Du lịch bền vững trước hết phải là du lịch có trách nhiệm. Trong khi, du lịch có trách nhiệm được xác định như một nguyên tắc phát triển du lịch, đó là hạn chế tối thiểu tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội; tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn cho dân cư địa phương và nâng cao đời sống cho cộng đồng địa phương đón khách; cải thiện điều kiện làm việc và sự tiếp cận đến ngành du lịch; có sự tham gia của người dân địa phương vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống và thay đổi cách sống của họ; đóng góp tích cực vào việc bảo tồn di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, duy trì sự đa dạng...
Từ đó, cung cấp các kỳ nghỉ thú vị cho khách du lịch thông qua sự kết nối có ý nghĩa với dân cư địa phương, sự hiểu biết tốt hơn về văn hóa bản địa, cũng như các vấn đề về môi trường và xã hội. Như vậy, du lịch có trách nhiệm đòi hỏi tính trách nhiệm của cả chính quyền, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan và cộng đồng địa phương.
Tại Thanh Hóa, tỉnh này đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đặt ra yêu cầu phát triển bền vững ngành du lịch, trong đó, môi trường là vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Tại các khu, điểm du lịch lớn trên địa bàn tỉnh này đều được trang bị thùng đựng rác, lắp biển báo chỉ dẫn, nhằm nâng cao ý thức của du khách trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời, hướng đến xây dựng hình ảnh các điểm đến xanh - sạch - đẹp.
Đặc biệt, tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn, 100% các hộ kinh doanh du lịch đều thực hiện cam kết sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh; thực hiện việc thu gom và vận chuyển rác tập trung 2 lần/ngày; thực hiện sàng cát tại bãi biển... Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhằm bảo đảm yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp và quyền lợi của khách hàng.
Mặt khác, địa phương này phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết; thiết lập lại trật tự các khu dịch vụ, điểm trông giữ xe; quy hoạch bố trí sắp xếp dịch vụ kinh doanh du lịch, bảo đảm không gian thông thoáng, thuận tiện cho khách du lịch tham quan và nghỉ dưỡng. Đồng thời, chủ động nắm bắt thông tin và hỗ trợ du khách giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi, an toàn tính mạng và tài sản.
Hình ảnh khu du lịch biển Hải Tiến (Thanh Hóa)
Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến là một trong những điểm đến có tốc độ tăng trưởng nhanh, thể hiện qua lượng khách và số lượng cơ sở lưu trú liên tục tăng qua từng năm. Song, cũng chính sự phát triển nhanh chóng đó đã tạo sức ép cho chính quyền huyện Hoằng Hóa trong việc xử lý rác thải, nước thải và vệ sinh môi trường khu du lịch. Đã có một giai đoạn, những bất cập trong công tác thu gom, xử lý rác thải và nước thải ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường và để lại ấn tượng không tốt cho du khách.
Bởi, mặc dù hàng năm, vào mùa du lịch, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng đều ký kết với HTX dịch vụ nông nghiệp và môi trường Hoằng Hóa để thu gom, vận chuyển đi xử lý. Thế nhưng, việc thu gom và xử lý rác thải tại các xã vùng ven biển và trong khu du lịch vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, nhận thức của người dân và du khách về bảo vệ môi trường; cũng như ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh dịch vụ chưa cao.
Nhằm giải quyết triệt để tình trạng trên, UBND huyện Hoằng Hóa đã xây dựng “Phương án vệ sinh môi trường Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa giai đoạn 2018-2020”. Phương án đề ra mục tiêu, năm 2018, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 94% (trong đó, xử lý bằng hình thức đốt là 80%, còn lại 20% không đốt được sẽ chôn lấp hợp vệ sinh). Đến năm 2020, tỷ lệ thu gom rác thải đạt trên 97% (trong đó, xử lý bằng hình thức đốt đạt 87%, còn lại 13% sẽ chôn lấp hợp vệ sinh). Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sẽ được thực hiện thông qua việc ký kết bằng hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ có phát thải rác.
Để xử lý triệt để lượng rác thải phát sinh trong khu du lịch, địa phương đã đầu tư xây dựng lò đốt rác BD-ANPHA 1000, có công suất thiết kế 14 tấn/ngày đêm, tại bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến và các xã phụ cận trên địa bàn. Hiện lò đốt đã được UBND huyện bàn giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng công nghiệp HTH tiếp quản và vận hành.
Mặc dù vậy, du lịch có trách nhiệm không dừng lại ở khía cạnh môi trường. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì cần lồng ghép các hoạt động du lịch có trách nhiệm vào tất cả các khía cạnh của chính sách, quy hoạch, quản lý điểm đến, hoạt động kinh doanh, giáo dục và nâng cao nhận thức ở tất cả các cấp, từ quốc gia đến địa phương.
Từ đó, tạo ra những sản phẩm du lịch có trách nhiệm, bằng cách kết hợp quy trình phát triển sản phẩm du lịch thông thường, với các nguyên tắc cơ bản về phát triển du lịch bền vững.
Lê Hòa