Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hóa chỉ đạt 7.341.000 lượt, giảm 24% so với năm 2019, đạt 65,5% kế hoạch; tổng thu đạt 10.394 tỷ đồng, giảm 28,4% so với năm 2019, đạt 50,7% kế hoạch. Trong quý I-2021, toàn tỉnh đón 1.171.400 lượt khách, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu đạt 1.031,7 tỷ đồng, tăng 34,9% so với cùng kỳ 2020.
Cùng với đó, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các hoạt động công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vẫn được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hoạt động thư viện, bảo tàng, nghiên cứu và biên soạn lịch sử, phát hành phim và chiếu bóng, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp... được nâng cao cả về chất và lượng.
Lĩnh vực thể thao thành tích cao và du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng, vận động viên các môn thể thao thành tích cao đã thi đấu 101 giải, đạt 614 huy chương các loại, trong đó có 186 huy chương vàng.
Để nâng cao hiệu quả công tác Văn hóa- Thể thao- Du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian tới, Sở văn hóa thể thao du lịch Thanh Hóa đã đề nghị Bộ văn hóa thể thao du lịch đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích đã được phê duyệt quy hoạch, gồm: Di sản văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử văn hoá Hàm Rồng, Di tích khảo cổ Hang Con Moong. Đồng thời, sớm triển khai kế hoạch xây dựng hồ sơ Hang Con Moong đề cử UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới...
Song song với đó, đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch sớm triển khai rà soát, bổ sung Sầm Sơn, Hàm Rồng, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Bến En và Pù Luông vào danh mục Khu du lịch quốc gia; hỗ trợ Thanh Hoá triển khai các giải pháp chuyển đổi số ngành du lịch, bổ sung Thanh Hoá là một trong những trung tâm thể dục - thể thao vùng...
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, nhấn mạnh: Thanh Hóa là tỉnh có kho tàng di sản văn hóa hết sức phong phú, đa dạng và giàu giá trị. Tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều sự quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa thể thao du lịch . Điều này thể hiện qua mạng lưới cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - thể thao ngày càng hoàn thiện; việc bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể đạt nhiều kết quả quan trọng; các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao có bước phát triển cả về lượng và chất; Thanh Hóa cũng là một trong số ít tỉnh, thành vẫn duy trì các đoàn nghệ thuật truyền thống.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bộ trưởng đề nghị thời gian tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm và dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó chú trọng đến các di tích trọng điểm như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ… Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, thư viện, trung tâm văn hóa, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa cơ sở, nhất là bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số; phát triển lực lượng vận động viên, nhất là vận động viên tài năng, để tạo nguồn cho thể thao thành tích cao của tỉnh nói riêng, thể thao cả nước nói chung.
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu và đề ra các giải pháp kích cầu du lịch phù hợp, nhằm tạo đà cho du lịch phục hồi trở lại. Đối với những đề xuất, kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch tiếp thu và tham mưu cho Bộ hướng giải quyết và hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa.
Hoài Thu