Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậụ của từng vùng; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất. Diện tích gieo trồng cây nông nghiệp hằng năm giữ ổn định từ 395-400 nghìn ha; thu nhập trên đơn vị diện tích tăng 6%/ha/năm. Tổng diện tích gieo trồng năm 2023 ước đạt 391,1 nghìn ha, giảm 17 nghìn ha so với năm 2020; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 1,528 triệu tấn, giảm 45.600 tấn so với năm 2020.
Trong đó, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tích cực khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống lúa lai vào sản xuất.
Trong vụ xuân 2023 vừa qua, nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã đưa các giống lúa lai vào gieo cấy chiếm tỷ lệ gần 59,4%, lúa thuần 40,6% tổng diện tích lúa. Đối với vụ mùa 2023, do thời tiết bất thuận nên người dân ở các địa phương trong tỉnh sử dụng giống lúa lai với diện tích 32.088 ha, chiếm 27,9%, giống lúa thuần diện tích 82.926 ha, chiếm 72,1% tổng diện tích gieo cấy. Các giống được gieo trồng đều nằm trong cơ cấu giống chủ lực của tỉnh, như: Giống lúa lai Thái Xuyên 111, MHC2, Phú Ưu 978, Quốc tế 1, VT404, C Ưu đa hệ số 1, Nhị Ưu 986, Hương Ưu 98 và giống lúa thuần Bắc Thịnh, TBR225, ADI168, ADI28, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8, Lam Sơn 8, Khang dân đột biến, TBR279, Bắc Thơm số 7, J02, VNR 20, Hà Phát 3...
Năng suất, hiệu quả tăng lên khoảng 15% so với giống lúa đại trà. Việc mở rộng diện tích sản xuất lúa lai năng suất, chất lượng cao kết hợp với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã và đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, sản lượng lúa của toàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, để từng bước cơ cấu các loại giống lúa lai năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, hằng năm, ngành nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty sản xuất giống xây dựng mô hình khảo nghiệm các giống lúa lai mới. Qua đó, đánh giá kết quả khảo nghiệm các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các vùng miền của tỉnh và bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh.
Từ đó, từng bước thay thế các giống lúa thuần có năng suất và chất lượng thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh hại kém và hiệu quả kinh tế thấp. Cùng với việc xây dựng các mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới, để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, các địa phương tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung theo hướng hữu cơ, từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo ở các địa phương.
Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả xây dựng bản đồ nông hóa, ngành nông nghiệp rà soát chuyển đổi cơ cấu các bộ giống lúa lai phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng địa phương.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương khuyến khích người dân áp dụng các chương trình “IPM”, “IHPM” và “ICM” và ứng dụng cơ giới hóa, biện pháp thâm canh lúa gạo theo hướng hữu cơ, công nghệ cao.
An Dương