Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá, từ đầu năm đến nay, cả 3/3 khu vực trên địa bàn tỉnh đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ, cụ thể: vùng đồng bằng và TP. Thanh Hóa thành lập được 1.586 doanh nghiệp, tăng 25,7%; vùng ven biển thành lập mới 537 doanh nghiệp, tăng 32,3% và vùng miền núi có 246 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 35,9% so với cùng kỳ.

Tám tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập được 2.369 doanh nghiệp mới, đạt 79% kế hoạch, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Tổng số vốn điều lệ doanh nghiệp đăng ký là 31.660 tỷ đồng, tăng 53,8% so với cùng kỳ, đạt 13,4 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Thanh Hóa hiện vẫn duy trì là địa phương đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và xếp thứ 6 cả nước về số lượng đăng ký thành lập mới, sau các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai.

Trong số 17 ngành nghề đăng ký kinh doanh, có 11/17 lĩnh vực ngành, nghề có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ, như: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, tăng 58,58%; giáo dục và đào tạo, tăng 38%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tăng 18,8%; kinh doanh bất động sản, tăng 96%; công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 58,8%....

Có 6/17 lĩnh vực ngành, nghề của doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ, như: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 9%; xây dựng, giảm 22,9%; sản xuất phân phối, điện, nước, gas, giảm 45%; khai khoáng, giảm 5,9%...

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu thành lập mới từ 3.000 doanh nghiệp trở lên. Hiện nay, các ngành, địa phương đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân khởi nghiệp, hộ cá thể chuyển đổi thành lập doanh nghiệp mới; đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Hoài Thu