Theo báo cáo của UBND huyện Quan Sơn và kết quả kiểm tra thực tế ngày 30/9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 04 năm 2024 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn kéo dài: Tại khu vực đồi đất bản Cha Khót, xã Na Mèo phía trên khu dân cư, trường học và nhà văn hóa xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài (khoảng 300m), một số vị trí vết nứt lớn rộng từ 50-70cm, nhiều vị trí sạt lở đất với chiều sâu cung sạt khoảng 1-2m; nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất gây mất an 2 toàn tính mạng và tài sản của 55 hộ dân/220 nhân khẩu hiện đang sinh sống tại bản Cha Khót, Nhà văn hóa và các điểm trường của bản (Trường Tiểu học Na Mèo, Trường Mầm non Na Mèo).
Tại khu dân cư bản Muỗng, xã Trung Xuân nằm ở sườn đồi đất cao, dọc 2 bên là suối và sông Lò, là nơi sinh sống của 38 hộ dân đã xảy ra sụt lún đất và xuất hiện các vết nứt lớn, chiều rộng vết nứt lớn nhất khoảng 10cm, một số vị trí bị sụt lún đất dọc theo vết nứt sâu từ 20 - 50 cm, xuất hiện mạch nước ngầm chảy trong thân đồi ra phía sông Lò; có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất gây mất an toàn tính mạng và tài sản của 38 hộ dân bản Muỗng, xã Trung Xuân. Diễn biến sạt lở, sụt lún đất, nứt khu dân cư tại các khu vực nêu trên vẫn có chiều hướng phát triển phức tạp, khó lường, đặc biệt là khi có mưa lớn xảy ra.
Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất tại bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn và sụt lún đất, nứt khu dân cư bản Muỗng xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, với các nội dung chính như sau:
Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, UBND tỉnh giao huyện Quan Sơn:
Triển khai ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng của sạt lở; thực hiện sơ tán triệt để các hộ dân nêu trên đến nơi an toàn, tuyệt đối không để người dân trở lại sinh sống khi chưa đảm bảo an toàn, nhất là khi có mưa lớn xảy ra. Tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở đất, sụt lún đất, nứt khu dân cư và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Thực hiện việc lập rào chắn, cắm mốc, biển cảnh báo trong phạm vi nguy hiểm và thông tin, tuyên truyền cho các hộ dân, đơn vị trong khu vực biết để chủ động phòng tránh; tuyệt đối không cho người, phương tiện, vật nuôi đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra mưa, lũ.
Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án ứng phó theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Giao các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Quan Sơn tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định.
Các cơ quan truyền thông: Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa thông tin, cảnh báo về tình huống khẩn cấp nêu trên để Nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Các biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn lâu dài: Giao UBND huyện Quan Sơn: Tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, sụt lún đất, nứt đồi và xác định các khu tái định cư mới đảm bảo an toàn để có phương án di dời các hộ dân nêu trên, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, 3 quyết định hỗ trợ kinh phí để đầu tư và triển khai thực hiện, đảm bảo ổn định lâu dài theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục rà soát, cập nhật các hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện để bổ sung vào Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện Quan Sơn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Khánh An