Theo đó, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng lộ trình để phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, với mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 4 sản phẩm lúa gạo, 13 sản phẩm rau, quả, 1 sản phẩm mía đường, 1 sản phẩm ngô, 2 sản phẩm thịt lợn, 1 sản phẩm thịt bò, 1 sản phẩm tôm và 3 sản phẩm chế biến từ hải sản khai thác xa bờ và ngao nuôi được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 - 4 sao; 1 sản phẩm được công nhận về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể.
Để thực hiện phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp theo lộ trình này, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã đề xuất các nhiệm vụ duy trì, phát triển, quảng bá sản phẩm đã có thương hiệu trên địa bàn tỉnh trên cơ sở điều tra, khảo sát về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm, đánh giá những thuận lợi và khó khăn của từng sản phẩm trong nhóm nông sản đã có thương hiệu.
Đồng thời, nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm OCOP cấp tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng, năm 2021 Văn Phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tư vấn, hỗ trợ phát triển được 10 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn và các huyện Bá Thước, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống.
Tính đến tháng 01/2022, toàn tỉnh đã có 16 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Qua đó, khoảng 80% số lượng sản phẩm OCOP thuộc nhóm đồ uống, thực phẩm được trưng bày, bán tại các điểm giới thiệu, bán sản phẩm.
Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp góp phần hỗ trợ, đẩy mạnh sức tiêu thụ của sản phẩm OCOP trên thị trường. Đồng thời, thông qua các cửa hàng, người tiêu dùng được lựa chọn những sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng, đại diện cho những sản phẩm ưu thế của địa phương.
Lê Nam