Theo đó, từ ngày 20/09 đến 16/12/2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dịch tả lợn Châu Phi đã tái xuất hiện tại gần 650 hộ của gần 230 thôn thuộc 71 xã của 12 huyện.
Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xác định phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Các huyện, thị, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn theo phương châm “huyện giữ huyện”, “xã giữ xã”, “thôn giữ thôn”, “trang trại giữ trang trại”, “hộ giữ hộ”. Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo xây dựng, triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Các đơn vị cũng tổ chức rà soát, nắm chắc số lượng các tổ chức, hộ chăn nuôi lợn đến tận thôn, bản, để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi khi có lợn ốm, chết bất thường phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để lấy mẫu, xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Các địa phương có dịch đã thành lập 16 chốt kiểm soát, 3 tổ kiểm soát lưu động để kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch theo quy định. Tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của Cục Thú y, bảo đảm không làm phát tán mầm bệnh. Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiêu hủy gần 4,2 nghìn con lợn với tổng trọng lượng trên 306,3 tấn.
Đồng thời, huy động gần 42 nghìn lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng, trên 1,8 nghìn lít hóa chất diệt côn trùng và 38,7 tấn vôi bột để thực hiện phòng, chống dịch.
Đến ngày 06/01/2022, sau 21 ngày trên địa bàn tỉnh không có lợn mắc bệnh hoặc chết do dịch tả lợn Châu Phi, Thanh Hóa đã tổ chức công bố hết dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện công tác phun tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh nhằm ngăn chặn, khống chế hiệu quả dịch bệnh lây lan trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa tiếp tục phân bổ số lượng 10.000 lít hóa chất sát trùng Iodine cho 413 xã, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã có dịch và có nguy cơ cao nhiễm dịch để phòng chống bệnh động vật vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2022.
Theo ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ thời điểm này, mọi giao thương lợn thương phẩm, lợn giống diễn ra bình thường. Thanh Hóa hiện đang đảm bảo số lượng lợn ngang bằng với thời điểm trước dịch tả lợn Châu Phi để đảm bảo cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán.
Hoài Thu