Phối cảnh khu hàng không dân dụng Cảng HK Thọ Xuân - Thanh Hóa
Theo đó, việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu vận tải, hạ tầng các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không đã được tỉnh Thanh Hóa tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
Từng bước hoàn thiện các tuyến đường giao thông, kết nối hệ thống đường giao thông thôn, bản với giao thông địa phương và giao thông Trung ương. Kết nối với hạ tầng đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không; bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, làm cơ sở để phát triển vận tải đa phương thức logistics trong thời gian tới.
Trong đó, đáng chú ý là năng lực khai thác Cảng Hàng không Thọ Xuân liên tục tăng về tần suất chuyến bay, số lượng hành khách và lượng khách thông qua cảng hàng năm tăng ổn định, trung bình tăng 5% - 7% về số chuyến cất, hạ cánh và khoảng 10% về lượt hành khách. Hiện đã khai thác hiệu quả đường bay charter quốc tế Thanh Hóa – Thái Lan và tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không nghiên cứu mở mới các đường bay quốc tế.
Ngoài ra, những năm qua, trên địa bàn tỉnh này đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới nhiều công trình, dự án quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Như các dự án đường nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với Khu Kinh tế Nghi Sơn; đường liên xã từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai (Mường Lát), đường Hồi Xuân – Tén Tằn và đường đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô để góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới phía Tây của tỉnh; đường giao thông từ Quốc lộ 47 đi đường Hồ Chí Minh; Đại lộ Nam sông Mã; đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa; đường Voi – Sầm Sơn...
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai để hoàn thiện hạ tầng giao thông một số dự án, gồm: Giải phóng mặt bằng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 17.420 tỷ đồng; tuyến đường bộ ven biển, đoạn từ TP Sầm Sơn - huyện Quảng Xương; 4 dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh, với tổng chiều dài 24 km, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng; tuyến đường nối trung tâm TP Thanh Hóa đến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) dài 11 km, tổng mức đầu tư 499 tỷ đồng. Khởi công xây dựng các dự án lớn, trọng điểm có tính chất lan tỏa vào đầu quý II-2020, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, gồm: tuyến đường nối trung tâm TP Thanh Hóa đến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 2); đường nối Quốc lộ 217 với Quốc lộ 45 và Quốc lộ 4...
Cùng với đó là đầu tư xây dựng các cầu dân sinh khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại, góp phần xóa đói, giảm nghèo...
Khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các bến cảng chuyên dùng, như: Cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, Cảng Quảng Châu, Cảng Lạch Sung.
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, 5 năm qua, Sở GTVT Thanh Hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe không ngừng đầu tư bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật theo tiêu chuẩn quy định; tổ chức bồi dưỡng về chính trị tư tưởng và tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ sát hạch viên, cán bộ phục vụ đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, nên chất lượng không ngừng được nâng lên.
Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, nhất là với phương tiện quá khổ, quá tải được siết chặt; đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí.
Môi trường đầu tư kinh doanh lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Thanh Hóa cũng được cải thiện, cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn ngân sách, tăng thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô liên tục tăng, trung bình hàng năm tăng 5% và đến nay có khoảng 1.029 doanh nghiệp; trong đó, 170 doanh nghiệp vận chuyển hành khách theo tuyến cố định và hợp đồng, 17 doanh nghiệp khai thác vận chuyển hành khách công cộng bằng xe taxi, 6 doanh nghiệp khai thác vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt và 836 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa.
Hoài Thu