Thành phố Thanh Hóa
Thành phố Thanh Hóa

Theo đó, Đồ án “Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040” có phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Thanh Hóa và toàn bộ địa giới hành chính huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng hơn 228 km2, dân số hiện trạng năm 2020 khoảng 580.000. Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 780.000 người, đến năm 2040 khoảng 1 triệu người.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Đô thị Thanh Hóa thành trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào; là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc; phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn.

Mô hình và cấu trúc phát triển đô thị được xác định trên cơ sở kế thừa và điều chỉnh cấu trúc hình thành thành phố Thanh Hóa và định hướng phát triển vùng trung tâm tỉnh Thanh Hóa. Điều chỉnh mô hình phát triển dạng “vành đai xuyên tâm” của TP Thanh Hóa thành mô hình “vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm” dựa trên cơ sở địa hình, cảnh quan tự nhiên.

Tiếp tục lấy trục Đại lộ Lê Lợi làm không gian trung tâm của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị. Lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị “3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên”.

Hiện, sau 12 năm thực hiện, quy hoạch thành phố Thanh Hóa cần thiết phải điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Các ý kiến góp ý đã thống nhất với định hướng 3 trục phát triển, 6 trung tâm và 1 hành lang sinh thái tự nhiên, nhưng đề nghị cần phải làm rõ động lực và định hướng phát triển của từng trung tâm; làm rõ mối quan hệ tương tác giữa thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn.

Về hạ tầng giao thông, cần có phương án tốt để kết nối hệ thống giao thông đối nội và giao thông đối ngoại; chú trọng kết nối 2 bên bờ sông Mã để mở rộng không gian phát triển của thành phố. Việc sắp xếp các cơ sở công nghiệp phải có lộ trình phù hợp, phân nhóm đối với các loại hình doanh nghiệp để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Về phát triển nhà ở tại thành phố Thanh Hóa, nên ưu tiên cho loại hình nhà ở chung cư, hạn chế phân lô bán nền, nhà liền kề và biệt thự thấp tầng để đảm bảo phát triển bền vững lâu dài.

Kết luận nội dung này, Bí Thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao sự chuẩn bị khẩn trương và trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trong thời gian không dài đã xây dựng dự thảo Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 để Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị tư vấn cần tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý, xác đáng tại hội nghị để hoàn thiện đồ án.

Ông  Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là đồ án quy hoạch quan trọng đối với sự phát triển của thành phố Thanh Hóa, đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, trung tâm tỉnh lỵ của 1 tỉnh lớn với hơn 3,7 triệu dân. Do vậy, đồ án phải có tầm nhìn, thể hiện được tầm vóc và vai trò quan trọng của đô thị thành phố Thanh Hóa đối với sự phát triển chung của tỉnh. Phạm vi xây dựng quy hoạch gồm địa phận thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, nhưng cần phải có sự liên hệ với các vùng phụ cận.

Sức sống của đô thị trước hết là sự phát triển về kinh tế, nhưng đây là đô thị tỉnh lỵ nên đồng thời cũng là trung tâm chính trị, văn hóa của cả tỉnh. Do vậy, quy hoạch đô thị cần chuyển từ “đơn tâm” sang “đa tâm” để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, hài hòa và hợp lý.

Phát triển kinh tế của thành phố Thanh Hóa cũng phải mang nét riêng, công nghiệp phải là công nghiệp sạch, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng đất ít, dịch vụ phải đa dạng, nhưng ưu tiên các dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp phải theo hướng sinh thái, hữu cơ, nông nghiệp phục vụ du lịch.

Hoài Thu