Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra tình hình nhập và đưa vào thả nuôi 320 con lợn giống bố, mẹ của Công ty TNHH dinh dưỡng quốc tế Việt Đức, tại xã Xuân Khang, huyện Như Thanh.Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra tình hình tái đàn tại Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (Thanh Hóa)

Ngay từ khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh tả lợn châu Phi, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đến vấn đề giữ bằng được đàn lợn trong hệ thống trang trại, đàn giống. Theo đó, hàng loạt các giải pháp để tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn đã được triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.

Vì vậy, sau khi công bố hết bệnh dịch, công tác khôi phục đàn lợn của tỉnh này có nhiều thuận lợi. Tổng đàn lợn được tái đàn, tăng đàn trong quý I năm 2020 của toàn tỉnh đạt 191.685 con. Trong đó, lợn nái là 22.292 con, lợn thịt 169.393 con.

Đáng chú ý, để khôi phục sản xuất chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án chăn nuôi của các doanh nghiệp, với tổng mức đầu tư 911,16 tỷ đồng, với quy mô 244.700 con. Dự kiến, quý III năm 2020, đàn lợn trên địa bàn tỉnh này sẽ tăng thêm 100.000 con, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn tỉnh vào dịp cuối năm.

Để công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn được bền vững, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp, như: Khuyến khích đầu tư sản xuất con giống, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết để sản xuất gắn với tiêu thụ lợn thương phẩm. Tăng cường hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung; thực hiện các chính sách hỗ trợ chăn nuôi và tái đàn.

Trao đổi vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Thanh Hóa trong công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi và tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn. 

Thứ trưởng cho rằng, Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, địa bàn chia cắt, song do quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, cùng với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, nên công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi nói riêng, dịch bệnh nói chung và công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi sau dịch bệnh đạt được những kết quả vượt trội so với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Việc Thanh Hóa đã và đang duy trì được đàn lợn giống bố, mẹ ngay trong dân đã giúp chủ động được nguồn giống cho việc thực hiện tái đàn. Đây là kinh nghiệm hay, hiệu quả để nhiều tỉnh, thành khác học tập. Thứ trưởng để nghị, thời gian tới Thanh Hóa cần đẩy mạnh hơn nữa công tác liên kết trong chăn nuôi, nên phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín. UBND tỉnh Thanh Hóa cần có thêm kế hoạch hành động, lâu dài về hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ trong chăn nuôi.

Hoài Thu